Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao hiệu quả quản lý thuế

Thiện Mỹ| 14/07/2020 06:13

(HNM) - Những năm gần đây, thương mại điện tử ở Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng phát triển rất mạnh mẽ. Đặc biệt, khi cả nước thực hiện giãn cách xã hội do dịch Covid-19, phương thức kinh doanh này tiếp tục có thêm những bước tiến dài. Không chỉ ở khu vực thành thị, mua, bán hàng trực tuyến đã dần "phủ sóng" tới cả vùng nông thôn... Điều đó đồng nghĩa với việc thương mại điện tử có doanh thu ngày càng lớn và thuế từ nguồn này sẽ bổ sung đáng kể cho ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc quản lý, đặc biệt là thu thuế từ thương mại điện tử còn nhiều khó khăn. Là loại hình kinh doanh khá mới, trong nhiều trường hợp còn mang tính xuyên tỉnh, thành phố, thậm chí xuyên biên giới nên việc xác định doanh thu không hề đơn giản. Chưa kể, xuất phát từ yếu tố bảo mật thông tin của khách hàng, một số quy định của Luật Viễn thông, Luật Các tổ chức tín dụng cũng tạo ra những "rào cản" đối với cơ quan thuế trong việc kiểm soát nguồn thu của hoạt động thương mại điện tử…

Khắc phục những khó khăn trên, ngành Thuế của Thủ đô đã tiến hành rà soát, phân loại thương mại điện tử thành các nhóm, từ đó có các giải pháp quản lý phù hợp với từng nhóm đối tượng nộp thuế. Ví như việc xác định vẫn còn 11.422 chủ tài khoản Facebook hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội này chưa nộp một đồng thuế nào. Trên cơ sở đó, Cục Thuế Hà Nội dự kiến trong năm nay sẽ thu được khoảng 500 tỷ đồng từ hoạt động thương mại điện tử phát sinh dòng tiền trên địa bàn thành phố.

Nhiệm vụ đặt ra cho ngành Thuế Hà Nội trước mắt là tiếp tục rà soát kỹ các chủ thể trong hoạt động thương mại điện tử thuộc diện chịu thuế. Từ đó tiếp cận, tuyên truyền để các cá nhân, tổ chức này nâng cao nhận thức, tự nguyện đăng ký mã số thuế, kê khai và nộp thuế; hướng dẫn, đơn giản hóa các thủ tục thực hiện nghĩa vụ với nhà nước. Đồng thời, kiên quyết truy thu, xử phạt nghiêm những đối tượng chây ỳ, trốn thuế, tạo "sân chơi" lành mạnh, bình đẳng và tăng nguồn thu cho ngân sách.

Song song đó, tham mưu, đề xuất với Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính xây dựng, sửa đổi các quy định về quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử sát thực tế, phù hợp với thông lệ quốc tế. Ngoài ra, ngành cần triển khai các biện pháp khấu trừ tại nguồn, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tín dụng để xác định chính xác dòng tiền, chống thất thu thuế.

Một giải pháp không kém phần quan trọng là nghiên cứu, phát triển các công cụ tìm kiếm, phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế của các địa phương khác, để rà soát hiệu quả các hoạt động thương mại điện tử, xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung. 

Thương mại điện tử gắn liền với sự phát triển của công nghệ thông tin. Vì vậy, cơ quan thuế cần đào tạo đội ngũ nhân sự đủ kiến thức, kỹ năng về công nghệ để nắm bắt những ứng dụng kinh doanh trực tuyến đang thay đổi hằng ngày, đáp ứng tốt hơn yêu cầu công việc.

Dài hạn hơn, bên cạnh việc đồng hành cùng các doanh nghiệp, cá thể kinh doanh, ngành Thuế Hà Nội cần phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương của Thủ đô tạo điều kiện tối đa để khuyến khích khởi nghiệp (đề xuất miễn, giảm thuế trong giai đoạn đầu), phát triển thương mại điện tử, từ đó "nuôi dưỡng" nguồn thu.

Các chủ thể kinh doanh trực tuyến cũng cần nâng cao ý thức, chấp hành đầy đủ các quy định của Nhà nước, trong đó có nghĩa vụ nộp thuế. Đây cũng là cách để khẳng định uy tín, tạo niềm tin đối với khách hàng.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp, việc nâng cao hiệu quả quản lý thuế mới được phát huy tối đa, nguồn thu mới bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao hiệu quả quản lý thuế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.