Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao hiệu quả quản lý rừng

Sơn Tùng| 25/05/2018 07:08

(HNM) - Ở nhiều địa phương, tình trạng phá rừng, chuyển đổi đất rừng, đất lâm nghiệp trái phép vẫn diễn ra phức tạp, không được xử lý kịp thời, đòi hỏi lực lượng kiểm lâm, chính quyền cơ sở phải có các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả hơn.


“Máu” rừng vẫn “chảy”...

Theo thống kê, mỗi năm có tới 20.000 vụ vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng. Theo số liệu từ Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ NN&PTNT, mặc dù đã giảm tới hơn 30% vụ việc nhưng trong 4 tháng đầu năm 2018, cả nước vẫn phát hiện 4.226 vụ vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; diện tích rừng bị thiệt hại 4 tháng đầu năm là 252ha.


Tình trạng phá rừng trong tháng 4 xảy ra chủ yếu tại huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên và tỉnh Đắk Nông. Trước đó, việc quản lý, sử dụng đất nông, lâm nghiệp, đất rừng trên địa bàn toàn quốc có chiều hướng gia tăng phức tạp ở các địa phương như: Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang)... với nhiều hình thức: Chuyển nhượng nhiều lần, đẩy giá lên cao, san lấp, phân lô, xây dựng hạ tầng và nhà ở trái phép…

Trong khi ở nhiều địa phương “nóng” về vấn đề khai thác gỗ, phá rừng, làm "nghèo" rừng… thì tại Hà Nội, địa phương có diện tích đất rừng và đất lâm nghiệp thuộc diện ít trên địa bàn cả nước, tình trạng vi phạm trong lĩnh vực này diễn ra chủ yếu ở dạng vi phạm xây dựng trên đất rừng và đất lâm nghiệp. Từ đầu năm tới nay, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã xử lý 27 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; phạt hành chính và bán lâm sản, tịch thu, nộp ngân sách hơn 700 triệu đồng. Điển hình, tại huyện Sóc Sơn, ngoài các công trình vi phạm từ trước năm 2013 chưa được xử lý, hiện phát sinh thêm gần chục trường hợp vi phạm, xây dựng kiên cố trên đất rừng phòng hộ, đất lâm nghiệp. Tại huyện Ba Vì, năm nào cũng xảy ra việc xây dựng trái phép trên đất rừng, đất lâm nghiệp...

Gắn trách nhiệm người đứng đầu

Theo Quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm Đỗ Quang Tùng, trong khi lực lượng kiểm lâm vừa “mỏng”, vừa thiếu thì năng lực của cán bộ kiểm lâm ở một số địa phương còn nhiều hạn chế; số ít cán bộ kiểm lâm bị mua chuộc, tha hóa, biến chất; chính quyền địa phương không làm tròn trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng… Bên cạnh đó, công tác quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp, nhất là ở các nông, lâm trường, trạm trại còn chồng chéo, nhiều bất cập. Để ngăn chặn nạn phá rừng; khai thác nông, lâm sản trái phép và sử dụng đất rừng, đất lâm nghiệp không đúng mục đích, ông Tùng đề nghị các đơn vị đẩy mạnh công tác tham mưu cho Bộ NN&PTNT hoàn thiện chính sách về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; từng bước làm trong sạch đội ngũ kiểm lâm, loại bỏ những cá nhân tha hóa, biến chất...

Để chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng trái pháp luật, tại Hà Nội, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu khẳng định, đi đôi với phát triển kinh tế du lịch sinh thái, cần quản lý, bảo vệ rừng bền vững, chống biến đổi khí hậu. Đồng thời sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các trường hợp vi phạm...

Theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, các địa phương cần tổ chức thanh tra, kiểm tra, rà soát các tụ điểm phá rừng; điều tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm theo quy định của pháp luật; công khai kết quả xử lý để toàn xã hội tham gia, giám sát. Đặc biệt, cần kiểm điểm, xử lý nghiêm chủ rừng, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng và người đứng đầu thiếu trách nhiệm trong việc phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi phá rừng. Ngoài ra, cần khẩn trương phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp cho chính quyền cơ sở; quản lý chặt chẽ các cơ sở chế biến gỗ; rà soát, thực hiện truy xuất nguồn gốc gỗ tại các cơ sở chế biến để quản lý nguyên liệu hợp pháp; tăng cường tuyên truyền về điển hình tốt trong công tác quản lý, bảo vệ rừng...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao hiệu quả quản lý rừng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.