(HNM) - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) vừa tổ chức tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 34/2008/CT-TTg và sơ kết một năm thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sử dụng thư điện tử (email) trong cơ quan nhà nước (CQNN).
Theo đánh giá của Bộ TT-TT, các CQNN ngày càng đầu tư mạnh cho hạ tầng kỹ thuật CNTT với 88% cán bộ công chức khối các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được trang bị máy tính; 86% cán bộ công chức cấp tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ được trang bị máy tính phục vụ công việc; khối CQNN đều triển khai mạng nội bộ (LAN) phục vụ hoạt động của đơn vị mình. Phần lớn các CQNN đã có email tên miền gov.vn đạt tỷ lệ 100% bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 96,7% tỉnh, thành phố thuộc TƯ có địa chỉ mail này. Một số CQNN đã cấp hộp thư điện tử cho các cán bộ, công chức như: Kế hoạch - Đầu tư, Xây dựng, TT-TT, Công thương, Giao thông - Vận tải, Tài chính, Tư pháp, Tài nguyên - Môi trường, Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Chính phủ; các tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Bình Dương, Hưng Yên, An Giang, Bắc Giang, Lạng Sơn. Một số tỉnh, thành phố đã thực hiện cấp hộp thư điện tử cho 100% số xã, phường, thị trấn để phục vụ công việc như Bắc Ninh, Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang, Yên Bái, Đà Nẵng.
Hầu hết các CQNN đã trang bị hệ thống quản lý văn bản và điều hành phục vụ công việc (100% bộ, ngành; 98% tỉnh, thành phố thuộc TƯ đã trang bị hệ thống quản lý văn bản và điều hành - chỉ còn tỉnh Bình Thuận chưa triển khai). Trong đó, các địa phương như Cần Thơ, An Giang, Đà Nẵng đã triển khai hệ thống phần mềm này đến 100% đơn vị cấp xã, phường. Các bộ, ngành, địa phương đều đã có trang, cổng thông tin điện tử cập nhật tin, bài về hoạt động của đơn vị mình. Đáng chú ý, tại các website này đã cung cấp 1.609 dịch vụ công (năm 2012) ở mức độ 3, 4 giúp đẩy mạnh việc giao dịch, tiếp nhận hồ sơ, thủ tục hành chính qua mạng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ TT-TT, tỷ lệ các văn bản được trao đổi bằng phương thức điện tử vẫn hạn chế. Cụ thể, ở cấp bộ, ngành, có khoảng 30% văn bản được trao đổi dưới dạng điện tử (không sử dụng văn bản giấy), còn ở cấp tỉnh, thành phố đạt khoảng 20%. Số lượng văn bản được trao đổi song song trên môi trường điện tử và bản giấy đối với các bộ, ngành là 30-40%, các tỉnh, thành phố là 30-35%. Các loại văn bản trao đổi qua môi trường mạng thường là giấy mời họp, tài liệu họp, thông báo, báo cáo định kỳ hằng tháng… của đơn vị. Đáng chú ý, đây cũng là những con số thấp hơn so với dự kiến khi Bộ TT-TT xây dựng dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lộ trình thực hiện việc trao đổi văn bản điện tử trong hoạt động của CQNN giai đoạn 2013-2015, trong đó phấn đấu đến trước quý II-2013 đạt 50% văn bản trao đổi giữa các CQNN... Về vấn đề này, Bộ TT-TT cho rằng, so với yêu cầu đặt ra, các CQNN chưa tận dụng hiệu quả các điều kiện hiện có để thực hiện trao đổi văn bản trên môi trường mạng. Vẫn có địa phương hầu như chưa có văn bản nào được trao đổi hoàn toàn trên môi trường mạng. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan do đặc điểm địa lý (do một số địa phương ở vùng sâu, vùng xa…), thiếu kinh phí nâng cấp hệ thống thư điện tử, thì nguyên nhân xuất phát từ chính con người đã được chỉ ra. Đó là, tại một số CQNN, người đứng đầu đơn vị chưa thực sự quyết liệt ứng dụng CNTT; có không ít cán bộ, công chức chưa có thói quen sử dụng email…
Do vậy, để đạt được các mục tiêu cao hơn trong ứng dụng CNTT nói chung và nâng cao tỷ lệ sử dụng hệ thống thư điện tử Bộ TT-TT đưa ra các giải pháp: Chính phủ chỉ đạo các CQNN tiếp tục bảo đảm đủ kinh phí, duy trì, nâng cấp hệ thống thư điện tử, hệ thống quản lý văn bản và điều hành; triển khai ứng dụng chữ ký số. Đồng thời, lãnh đạo CQNN các cấp cần đề cao trách nhiệm đi đầu trong đẩy mạnh ứng dụng CNTT tại đơn vị mình... Đó cũng là cách để góp phần cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý của Nhà nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.