(HNM) - Trong giai đoạn mở cửa, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế kinh tế Thủ đô đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận.
Hiện nay, Hà Nội có khoảng 2.000 doanh nghiệp trực tiếp tham gia xuất nhập khẩu với đối tác ở 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ảnh: Bảo Lâm |
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GDP) tăng trung bình 10,8%/năm trong giai đoạn 2007-2011; riêng năm 2012 đạt mức tăng 8,1% - tuy thấp hơn so với kế hoạch, nhưng xu hướng tăng trưởng của quý sau luôn cao hơn quý trước và cao gấp hơn 1,5 lần so với mức tăng chung của cả nước. Đáng lưu ý, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tăng khá nhanh và ngày càng đóng góp phần quan trọng trong phát triển KT-XH. Đến nay, Hà Nội có khoảng 2.000 doanh nghiệp (DN) trực tiếp tham gia xuất, nhập khẩu với đối tác ở 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân đạt 21,2%/năm. Trong đó, cơ cấu hàng xuất khẩu của Hà Nội tiếp tục thay đổi theo hướng giảm dần các mặt hàng thô, nông sản chưa qua chế biến để thay thế bằng sản phẩm chế biến, có giá trị gia tăng cao.
Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư quốc tế cũng "chảy" mạnh về Hà Nội, đưa Thủ đô trở thành địa bàn thu hút nguồn ngoại lực hàng đầu trên toàn quốc. Hiện, Hà Nội có khoảng 2.000 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 21,9 tỷ USD, trong đó có 10 tỷ USD vốn đã giải ngân. Các chuyên gia cũng đánh giá cao về sự chuyển biến tích cực trong chất lượng nguồn nhân lực Hà Nội, với thế mạnh là tỷ trọng người lao động đã qua đào tạo cũng như nguồn lực chất xám hàng đầu cả nước, vì vậy Hà Nội luôn được nhà đầu tư lựa chọn để triển khai nhiều dự án đòi hỏi có nguồn nhân lực chất lượng cao mà không phải địa phương nào cũng dễ dàng đáp ứng được.
Hà Nội xác định, thời gian tới công tác HNKTQT sẽ đối diện với nhiều thách thức và cạnh tranh gay gắt hơn. Đó là, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của DN nhà nước còn thấp (2,6%), sự mờ nhạt của vai trò nhóm hàng xuất khẩu chủ lực, mức độ đóng góp vào tổng kim ngạch xuất khẩu của khối DN nhà nước còn thấp (39,1%); hiện tượng giảm tốc về tăng trưởng xuất khẩu trên địa bàn từ đầu năm 2012 đến nay… Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu, Hà Nội sẽ theo dõi sát sao công tác tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các cam kết HNKTQT trên cơ sở rà soát thực tế việc thực hiện cụ thể của các sở, ngành, đơn vị… để có đối sách phù hợp cũng như vận dụng linh hoạt những nội dung Việt Nam đã cam kết. Việc này nhằm không ngừng hoàn thiện, nâng cao sức cạnh tranh trong môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng minh bạch để tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Đồng thời, thành phố tiếp tục sửa đổi, ban hành những cơ chế, quy định để hỗ trợ DN nội địa gia tăng xuất khẩu, mở rộng hợp tác và liên kết quốc tế từ đó chủ động HNKTQT...
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo khẳng định, chính quyền luôn đồng hành cùng DN, chủ động đối thoại để tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cũng như hỗ trợ các đơn vị trong xây dựng thương hiệu, ứng dụng công nghệ mới, cung cấp thông tin thị trường và hướng mạnh về xuất khẩu. Thành phố cũng sẽ chủ động nâng cao sức cạnh tranh và chỉ số năng lực điều hành, xác định rõ tiềm năng, cũng như nhu cầu gọi đầu tư để xây dựng danh mục dự án gọi đầu tư. Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục hỗ trợ các ngành dịch vụ chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững, trong đó có dịch vụ thương mại, bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin, bảo hiểm, tài chính - ngân hàng...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.