Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước

Hiền Chi| 13/11/2012 06:32

(HNM) - Thành phố Hà Nội đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) từ nhiều năm nay nên việc thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 22-5-2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng văn bản điện tử trong cơ quan nhà nước đã sớm đi vào nền nếp, bước đầu có hiệu quả.



Song, để đạt được các nội dung trong Chỉ thị 15, đòi hỏi các cơ quan cần tích cực hơn nữa trong việc khai thác tính năng của các phần mềm CNTT.

Ứng dụng CNTT vào việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận “một cửa” Sở Xây dựng Hà Nội. Ảnh: Huyền Linh


Nhiều năm qua, Hà Nội đã sớm có chủ trương, chính sách ứng dụng và phát triển CNTT, xác định đây là nền tảng tốt để nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, tiến tới xây dựng chính quyền điện tử. Số liệu thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông cho thấy, tính đến tháng 6-2012, 100% các đơn vị cấp sở, ban, ngành và quận, huyện, thị xã đã thiết lập mạng máy tính nội bộ (mạng LAN); tỷ lệ máy tính trên cán bộ, công chức cần sử dụng đã đạt trung bình trên 90%. Hạ tầng mạng diện rộng (WAN) của thành phố đã triển khai tại 57 điểm kết nối từ Thành ủy, UBND TP tới các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã qua đường truyền cáp quang. Trong đó, có 51 điểm đã cung cấp đầy đủ dịch vụ hội nghị truyền hình trực tuyến và dịch vụ truy cập internet tốc độ cao. Hiện nay, hệ thống mạng diện rộng giữa Bộ Tài chính với Sở Tài chính, giữa Sở Tài chính và các phòng tài chính quận, huyện đã được kết nối phục vụ cho việc trao đổi các thông tin trong ngành. Ngoài việc kết nối mạng diện rộng đối với các cơ quan thành phố, một số đơn vị (Cục Thuế, Kho bạc, Hải quan, Sở Tài chính, Sở KH-ĐT, Văn phòng Đoàn ĐBQH-HĐND) đã kết nối mạng diện rộng đối với các bộ, ngành và Văn phòng Chính phủ để tra cứu và trao đổi thông tin. Việc đầu tư hạ tầng CNTT chính là nền tảng để các cơ quan nhà nước tạo nên một môi trường làm việc hiện đại, minh bạch, giảm giấy tờ, tiết kiệm chi phí, thời gian. Kết quả nổi bật là phần mềm quản lý công văn đi/đến đã được triển khai cho 29 quận, huyện, thị ủy, các ban Đảng và đảng ủy khối trực thuộc. Hệ thống gửi/nhận văn bản qua thư điện tử đã được chính thức ứng dụng tại Văn phòng Thành ủy và các ban Đảng Thành ủy để gửi các văn bản điện tử đến các hòm thư của các quận, huyện, thị ủy và các Đảng ủy trực thuộc thay vì gửi qua đường công văn.

Theo Chỉ thị 15/CT-TTg, các cơ quan nhà nước từ cấp đơn vị trực thuộc tại các bộ, từ cấp sở, ban, ngành, quận, huyện tại các địa phương trở lên phải sử dụng hệ thống thư điện tử để trao đổi các loại văn bản: giấy mời họp nội bộ; tài liệu phục vụ họp; văn bản để biết, để báo cáo; thông báo chung của cơ quan; các tài liệu cần trao đổi trong quá trình xử lý công việc… trong nội bộ mỗi cơ quan. Bên cạnh đó, các đơn vị đã được trang bị hệ thống quản lý văn bản và điều hành phải sử dụng hệ thống này để trao đổi các thông tin: Chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo; lịch công tác cơ quan; các chương trình, kế hoạch của cơ quan; công văn; từng bước ứng dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành đến cấp xã, phường tại các địa phương. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều đơn vị đã được trang bị hệ thống nhưng chỉ sử dụng một phần tính năng của phần mềm nên chưa mang lại hiệu quả cao trong việc tiết kiệm thời gian và chi phí. Ngay tại những đơn vị đã sử dụng hiệu quả nhất hiện nay (Văn phòng Thành ủy, Ban Tuyên giáo Thành ủy và các quận, huyện ủy Hoàn Kiếm, Sóc Sơn, Từ Liêm…) cũng mới khai thác được trên 70% tính năng của phần mềm.

Theo Chỉ thị 15, Hà Nội là một trong các thành phố trực thuộc TƯ phải quán triệt chỉ đạo các đơn vị trực thuộc trong hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền, bắt buộc gửi kèm văn bản điện tử song song với văn bản giấy trong năm 2012; tiến tới xử lý, trao đổi công việc chủ yếu qua mạng. Thực hiện được điều đó là góp phần thực hiện Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2012 và hoàn thành mục tiêu đến năm 2015 có 60% văn bản, tài liệu chính thức giữa cơ quan nhà nước được trao đổi hoàn toàn dưới dạng điện tử. Vì vậy, với các đơn vị đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật cần tận dụng hiệu quả các điều kiện hiện có để thực sự tạo nên một môi trường làm việc điện tử hiện đại, minh bạch, giảm giấy tờ, tiết kiệm chi phí, thời gian.

Đến nay, 21/22 sở, ngành (trừ Sở Quy hoạch Kiến trúc) và 29/29 UBND quận, huyện đã cài đặt phần mềm quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp trên mạng. 82% văn bản đi/đến của các sở, ban, ngành và 74% của UBND quận, huyện được quản lý bởi phần mềm, trong đó 12/22 sở, ban, ngành và 14/29 UBND quận, huyện, thị xã đã lưu trữ 100% văn bản của đơn vị trên máy tính. Đặc biệt, 11 đơn vị (10 quận, huyện: Gia Lâm, Sóc Sơn, Thanh Trì, Từ Liêm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Long Biên, Tây Hồ, Sơn Tây và Sở Tài chính) đã triển khai phần mềm chuyển/nhận văn bản tới các đơn vị trực thuộc cấp dưới.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.