(HNM) - Hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền được quyết định rất nhiều bởi phẩm chất, năng lực và hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) cơ sở.
Ứng dụng CNTT vào giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận “một cửa” quận Hoàn Kiếm.Ảnh: Viết Thành |
Trên thực tế, một bộ phận CBCC ở cấp này còn yếu về nhiều mặt, có biểu hiện vô cảm trong xử lý các vấn đề dân sinh bức xúc. Để giải quyết tình trạng này rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền, nâng cao hiệu quả của bộ máy chính quyền cơ sở.
Trang thiết bị chỉ để trang trí
Để xây dựng, hoàn thiện bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký ban hành văn bản chỉ đạo xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, các thiết bị và phần mềm "một cửa" điện tử phải thông suốt, tiện lợi, có tính tự động cao và bảo đảm quản lý được toàn bộ hoạt động tiếp nhận, chuyển, xử lý hồ sơ, trả kết quả giải quyết. Song theo quan sát của phóng viên Báo Hànộimới, khá nhiều bộ phận "một cửa", nhất là tại các phường khu vực nội thành đã được trang bị nhiều thiết bị ứng dụng công nghệ hiện đại nhưng không phải đơn vị nào cũng nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố.
Tại bộ phận "một cửa" phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, thời điểm Đoàn kiểm tra công vụ TP Hà Nội đến kiểm tra đột xuất, máy lấy số thứ tự tự động được bố trí nhưng không có hướng dẫn sử dụng, không thể hiện trên hệ thống điện tử; màn hình thông tin thủ tục hành chính cũng không hoạt động. Việc giải quyết các thủ tục hành chính giữa các phòng, ban liên quan, chủ yếu bằng phương pháp thủ công. Lẽ ra nếu thực hiện "một cửa", cơ quan chính quyền phải công khai các quy định của Nhà nước, công khai cách giải quyết và quy định chặt chẽ về thời gian trả lời công dân.
Đây còn là biện pháp để ngăn ngừa hiện tượng nhũng nhiễu. Qua kiểm tra xác suất một số hồ sơ, Đoàn kiểm tra công vụ đột xuất của thành phố phát hiện 3 hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã có quyết định cấp giấy chứng nhận, nhưng đến thời điểm kiểm tra vẫn chưa trả cho người dân. Đồng thời, kiểm tra một hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có tranh chấp đã hòa giải thành công nhưng biên bản hòa giải lại chỉ thể hiện trong sổ tiếp dân mà không được lưu trong hồ sơ, cũng không giao cho dân một bản theo quy định… Đây là lỗi của nhiều phòng, ban liên quan nhưng Chủ tịch UBND phường không chỉ rõ được sai phạm đích xác là ở khâu nào.
Tương tự, tại UBND phường Thổ Quan, quận Đống Đa, máy tra cứu hồ sơ (được Sở TT-TT Hà Nội cấp cho đơn vị thực hiện thí điểm) cũng không hoạt động. Vì lý do này, việc xác nhận và quản lý ngày trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của lãnh đạo phường không thể triệt để, chính xác.
Nhiều việc chưa thể giải quyết được
Kết quả trên cho thấy, để xây dựng chính quyền điện tử và thật sự minh bạch thì ý thức trách nhiệm của đội ngũ CBCC cơ sở trong việc triển khai đóng vai trò quyết định bởi có trang thiết bị hiện đại nhưng cán bộ không vận hành thì cũng vô tác dụng. Không chỉ vậy, có những việc bức xúc dân sinh, cán bộ công quyền biết nhưng không hoặc chậm giải quyết.
Điển hình là theo phản ánh của người dân ở khu chung cư F5 (tổ dân phố 26, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy), hoạt động của một số thành viên Ban Quản trị nhà F5 có dấu hiệu thiếu minh bạch, điểm rửa xe trái phép tại vỉa hè trước tòa nhà tồn tại đã trên 5 năm, lấn chiếm lối đi chung... Chủ tịch UBND phường Yên Hòa Hoàng Trung Kiên thừa nhận, để xảy ra tình trạng này là do cán bộ, lực lượng chức năng vào cuộc chưa tích cực. Tại hội nghị tiếp xúc cử tri (tổ 26, phường Yên Hòa) tối 21-7, ông Kiên khẳng định, sẽ chỉ đạo xử lý những tồn tại tại F5 trong tháng 7, nhưng đến ngày 4-8, công trình vi phạm
vẫn tồn tại, dù công nhân không còn làm việc.
TS Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) nhận định, trách nhiệm, thời gian UBND phường giải quyết các vấn đề ở địa bàn phụ trách, văn bản pháp luật có đầy đủ, đặc biệt là trong Luật Tiếp công dân, Thông tư số 07/2014/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ ban hành ngày 31-10-2014, quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh.
Chỉ khi tăng cường thanh tra công vụ, áp dụng mô hình chính quyền điện tử đồng bộ từ thành phố tới cấp cơ sở theo hướng “5 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả) và áp dụng những chế tài, biện pháp kỷ luật nghiêm khắc với những cán bộ chậm xử lý, vô cảm trước bức xúc của dân như quyết tâm của người đứng đầu thành phố thì cả bộ máy hành chính mới có những chuyển biến đồng bộ. Ở chiều ngược lại, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền kiến thức pháp luật, đặc biệt là những văn bản, chỉ thị của UBND TP Hà Nội để người dân biết bảo vệ quyền lợi của mình, nhất là khi hồ sơ, đơn thư của mình chậm được giải quyết hoặc không đúng với quy định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.