Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao hiệu quả chăm sóc, bảo vệ trẻ em: Bắt đầu từ hành động cụ thể

Hiền Dung| 20/01/2021 06:07

(HNM) - Dù đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, song ở nước ta hiện vẫn còn tình trạng trẻ em phải tham gia lao động sớm, bị bạo lực, xâm hại… Để nâng cao hiệu quả chăm sóc, bảo vệ trẻ em, các bên liên quan cần tạo lập, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, thân thiện cho trẻ, bắt đầu từ những hành động cụ thể, việc làm thiết thực.

Trẻ em cần được tạo những điều kiện tốt nhất để học tập và phát triển toàn diện. Ảnh: Nhật Nam

Hơn 1 triệu trẻ em phải lao động sớm

Những năm gần đây, nước ta đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ em, được cộng đồng trong nước, quốc tế đánh giá cao. Theo Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam Chang - Hee Lee, một trong những mục tiêu khó thực hiện đối với những quốc gia đang phát triển là giảm tỷ lệ trẻ em phải tham gia lao động sớm, nhất là trong bối cảnh có dịch Covid-19, thì Việt Nam đã thực hiện tốt mục tiêu này. Năm 2020, tỷ lệ trẻ em tham gia lao động tại Việt Nam thấp hơn khoảng 2% so với tỷ lệ trung bình của các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ở trong nước, tỷ lệ trẻ em tham gia lao động tại Việt Nam giảm nhanh, từ 15,5% vào năm 2012, xuống còn 5,3% ở thời điểm hiện nay và số vụ việc trẻ em bị xâm hại cũng giảm đáng kể…

Bên cạnh những kết quả đạt được, một số vấn đề ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ vẫn chưa được khắc phục triệt để. Điều đáng nói, tỷ lệ trẻ em tham gia lao động tuy giảm, nhưng cả nước vẫn còn hơn 1 triệu trẻ em phải lao động sớm, trong đó có hơn 50% số trẻ phải làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại. Số vụ việc xâm hại trẻ em có tính chất phức tạp gia tăng. Mới đây, vụ việc cháu N.N.A.T (15 tuổi) ở huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) sinh con khi mới 15 tuổi; hay vụ việc cháu T.Q.D (14 tuổi) bị chủ quán bánh xèo ở xã Yên Trung, huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh) đánh đập, gây tổn thương nghiêm trọng…, khiến dư luận bức xúc, lên án.

Dưới góc độ quản lý nhà nước, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đặng Hoa Nam chỉ rõ, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên chủ yếu là do một số gia đình chưa dành nhiều sự quan tâm đến con, em mình. Trong khi đó, nguồn lực đầu tư cho trẻ em ở một số địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Mạng lưới dịch vụ trợ giúp trẻ em tại cộng đồng còn thiếu và yếu…

Học sinh Trường Trung học cơ sở Thọ Lộc (huyện Phúc Thọ) tham gia buổi truyền thông về phòng, chống bạo lực học đường do Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) tổ chức.

Bảo vệ trẻ em từ gia đình, cộng đồng

Để nâng cao hiệu quả chăm sóc, bảo vệ trẻ em, ngày 7-1-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 23/QĐ-TTg, phê duyệt “Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030”. Theo đó, cả nước phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ em bị xâm hại xuống còn dưới 4,5% vào năm 2025 (hiện nay là xấp xỉ 5%); giảm tỷ lệ lao động trẻ em xuống còn dưới 4,9% vào năm 2025 (hiện nay là 5,3%)…

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu trên, các tỉnh, thành phố đang xây dựng kế hoạch triển khai “Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030” phù hợp với đặc thù từng địa phương. Tại Hà Nội, theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương, Sở đang phối hợp với các sở, ngành chức năng nghiên cứu để đề xuất UBND thành phố xây dựng chương trình, kế hoạch hành động vì trẻ em theo hướng gắn liền với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên, tập trung các nguồn lực cho công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Sở sẽ hướng dẫn các đơn vị, địa phương phát huy hiệu quả hoạt động của các mô hình chăm sóc, bảo vệ, trợ giúp trẻ em tại cộng đồng; tăng cường truyền thông, tư vấn trực tiếp cho trẻ em và gia đình...

Từ kinh nghiệm thực tiễn, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Phương cho biết, các ngành chức năng, địa phương của huyện đã, đang chủ động thực hiện các giải pháp hiệu quả bảo vệ trẻ em như trang bị các kỹ năng tự bảo vệ bản thân cho trẻ; nâng cao nhận thức của phụ huynh về quyền lợi và nghĩa vụ của trẻ em...

Được trang bị các kỹ năng phòng, chống xâm hại, em Nguyễn Hà Phương, học sinh lớp 7C, Trường Trung học cơ sở Yên Sở (huyện Hoài Đức) chia sẻ: “Chúng cháu đã được các chuyên gia tư vấn khuyên không nên tiết lộ thông tin cá nhân lên mạng xã hội hoặc với những người không quen biết; thận trọng khi tiếp xúc với người lạ, nhất là với người khác giới…”.

Về phía phụ huynh, bà Nguyễn Thị Vui, xã Canh Nậu (huyện Thạch Thất) cho hay: “Nhờ kiến thức được trang bị từ các lớp tập huấn về phòng ngừa lao động trẻ em, tôi hiểu rõ việc để trẻ em tham gia lao động sớm ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Vì thế, trong gia đình tôi sẽ không để các con, cháu  phải lao động sớm”.  

Ở cấp vĩ mô, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em, bảo đảm có ít nhất 65% xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em vào năm 2025; mở rộng, nâng cao chất lượng của các dịch vụ trợ giúp tại cộng đồng; thường xuyên tổ chức các diễn đàn để trẻ em được trao đổi, đóng góp ý kiến về các vấn đề liên quan đến trẻ em… “Các chương trình, hoạt động nhằm bảo vệ trẻ em đều lấy trẻ em làm tâm điểm, xuất phát từ nhu cầu thực tế, bắt đầu từ những hành động cụ thể, việc làm thiết thực. Đó là trách nhiệm của cơ quan chức năng, mỗi người dân, gia đình và cộng đồng, nên tất cả hãy cùng chung tay hành động”, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao hiệu quả chăm sóc, bảo vệ trẻ em: Bắt đầu từ hành động cụ thể

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.