Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao chất lượng quản lý đô thị

Việt Tuấn| 28/02/2017 07:02

(HNM) - Tuy mới thành lập, song từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay, cùng với tổ chức đoàn giám sát, khảo sát tình hình, Ban Đô thị HĐND thành phố đã xây dựng chương trình phối hợp công tác với các sở, ngành liên quan của thành phố, nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn và thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao.

Dân số tăng ảnh hưởng không nhỏ tới hạ tầng giao thông tuyến đường Hoàng Minh Giám (quận Cầu Giấy). Ảnh: Anh Tuấn


Nắm bắt ngay thực trạng

Theo phản ánh của nhiều cử tri, những năm gần đây, bộ mặt đô thị Hà Nội có chuyển biến tích cực nhưng chậm. Việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi đỗ xe, bán hàng vẫn còn. Bên cạnh đó, dân số tăng cơ học, nhiều nhà cao tầng được xây mới đã gây ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm; việc di dời các bệnh viện, trường học, cơ sở gây ô nhiễm môi trường… ra khỏi nội đô theo Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ còn chậm. Hiện nay, cùng lúc Hà Nội đang có nhu cầu lớn về cả giao thông và nhà ở bởi dân số tăng nhanh... Những vấn đề đang đặt ra đối với quy hoạch, quản lý đô thị cũng chính là nhiệm vụ nặng nề Ban Đô thị HĐND thành phố xác định phải tham gia, giải quyết.

Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Nguyễn Nguyên Quân cho biết, thực tế công tác quy hoạch, quản lý đô thị trên địa bàn còn nhiều tồn tại. Để sớm nắm bắt thực trạng, trên cơ sở đó tham mưu với Thường trực HĐND thành phố về chính sách, quy định thuộc lĩnh vực được phân công, ngay sau ổn định tổ chức, Ban Đô thị đã giám sát, khảo sát về công tác quản lý trật tự xây dựng, thực hiện quy hoạch tại một số sở và quận, huyện.

Thực tiễn cho thấy, một số cơ sở bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học khi thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp các hạng mục công trình vẫn được Sở Quy hoạch - Kiến trúc chấp thuận tăng quy mô về chiều cao, số tầng, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất làm gia tăng áp lực lên hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và giao thông tại khu vực, chưa bảo đảm định hướng lâu dài theo quy định của Luật Thủ đô và Quyết định 130/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, một số cơ quan, cơ sở giáo dục, y tế sau khi di dời đến cơ sở mới nhưng vẫn tiếp tục quản lý, sử dụng cơ sở cũ; việc thực hiện di dời cơ sở sản xuất công nghiệp và không phù hợp với quy hoạch chung Thủ đô, chậm so với yêu cầu...

Những hạn chế trên đã được Ban Đô thị đề xuất, kiến nghị Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội tiếp tục tham mưu cho UBND thành phố trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch theo Điều 9 của Luật Thủ đô; phối hợp với các sở và UBND các quận, huyện, thị xã để tiếp tục thực hiện Quyết định 130/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các phương án di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, trường học, cơ quan và bố trí sử dụng đất sau di dời đúng theo quy định; sớm tham mưu UBND thành phố về quy trình, thủ tục để trình HĐND thành phố phê duyệt quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường mới.

Phối hợp để hoạt động tốt hơn

Để nắm bắt thông tin nhanh trong hoạt động khảo sát, giám sát, tham mưu với Thường trực HĐND, UBND thành phố về công tác quy hoạch, quản lý đô thị, Ban Đô thị HĐND thành phố đã ký kết quy chế phối hợp công tác với 4 sở: Xây dựng, Quy hoạch - Kiến trúc, Giao thông - Vận tải, Tài nguyên - Môi trường. Theo nội dung ký kết, Ban Đô thị và các sở phối hợp trong xây dựng và thực hiện kế hoạch công tác; hoạt động giám sát, khảo sát, thẩm tra các báo cáo, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô hằng năm và 5 năm; thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát qua giám sát của Ban Đô thị HĐND thành phố; xây dựng các cơ chế, chính sách có liên quan thuộc lĩnh vực quy hoạch, giao thông, xây dựng, môi trường... Ngoài ra, các bên còn phối hợp thực hiện việc trả lời kiến nghị của cử tri, chất vấn của đại biểu HĐND thành phố, kết luận của chủ tọa tại các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp của HĐND thành phố liên quan đến lĩnh vực của ngành.

Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Vũ Văn Viện đánh giá cao hoạt động ký kết phối hợp này. Qua ký kết, các bên sẽ cung cấp thông tin, phối hợp chặt chẽ hơn trong hoạt động khảo sát, giám sát, thẩm tra các dự thảo, nghị quyết, tờ trình, báo cáo của ngành tham mưu với UBND thành phố… Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho rằng, ngay sau ký kết, Sở sẽ phổ biến trong ngành về quy chế phối hợp, để các tổ chức, đơn vị chủ động hơn trong công tác.

Khẳng định sự cần thiết và hiệu quả của việc thực hiện quy chế phối hợp giữa các ban của HĐND thành phố và các sở, ngành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh: Trước đây cũng có sự phối hợp trong công tác, nhưng nay đã có quy chế thì hoạt động sẽ bài bản hơn, nhất là việc phản biện, trao đổi thông tin để giải quyết tốt công việc theo chức năng nhiệm vụ được giao. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố mong muốn, Ban Đô thị và 4 sở, ngành ký kết cần thực hiện tốt quy chế đặt ra, tham mưu ban hành có hiệu quả các nghị quyết; phối hợp thực hiện tốt các cuộc giám sát theo kế hoạch cũng như giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc cử tri quan tâm, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao chất lượng quản lý đô thị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.