Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao chất lượng phục vụ

Bắc Vũ| 19/03/2021 06:11

(HNM) - Việc thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19. Trên bình diện chung, đây là bước đi quan trọng của ngành Bảo hiểm xã hội trong việc góp phần xây dựng, phát triển chính phủ điện tử, hướng đến chính phủ số.

Con số đáng chú ý là đến nay, số thủ tục hành chính trong các hoạt động nghiệp vụ của ngành Bảo hiểm xã hội đã giảm hơn 75% so với thời điểm đầu năm 2015. Để có được kết quả này, những năm qua, ngành Bảo hiểm xã hội đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin gắn với cải cách hành chính; cung cấp, liên thông dịch vụ công mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công của ngành và Cổng dịch vụ công quốc gia; đẩy mạnh giao dịch điện tử… Một điểm nhấn nữa là ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số trên nền tảng thiết bị di động đi vào hoạt động đã trở thành người bạn đồng hành thân thiết trong quá trình tham gia, thụ hưởng các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động.

Các hoạt động chuyển đổi số kể trên mang đến nhiều ý nghĩa, hướng đến sự công khai, minh bạch, đáp ứng sự hài lòng của tổ chức, cá nhân khi giải quyết thủ tục hành chính về lĩnh vực bảo hiểm xã hội. Xét thực tế hiện nay cho thấy, số người dân có liên quan đến các chính sách trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội rất lớn nên việc đẩy mạnh chuyển đổi số là yêu cầu cấp thiết và cần được thực hiện đồng bộ, hiệu quả hơn nữa.

Nhìn tổng thể, để giúp quá trình chuyển đổi số diễn ra thuận lợi, hiệu quả, ngành Bảo hiểm xã hội cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và đơn giản hóa, tái cấu trúc quy trình, nghiệp vụ. Trên cơ sở này, ngành Bảo hiểm xã hội tiếp tục triển khai tốt việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công của ngành cũng như trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Mục tiêu là khi tổ chức, cá nhân có nhu cầu tham gia, thụ hưởng chính sách sẽ được thuận tiện nhất.

Ngành Bảo hiểm xã hội cũng tiếp tục triển khai chuyển đổi số một cách toàn diện bằng việc hoàn thiện và vận hành hệ thống phần mềm nghiệp vụ để nâng cao hơn nữa năng lực quản lý, điều hành cũng như phục vụ người dân. Tiếp tục mở rộng triển khai thanh toán điện tử kết hợp với việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Thực hiện những việc này, tiêu chí quan trọng và ưu tiên hàng đầu là tạo ra ứng dụng đơn giản, tiện ích nhất, đặc biệt là phải bảo mật thông tin cho người dùng.

Một yêu cầu nữa là cập nhật dữ liệu, hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin để bảo đảm sự ổn định và duy trì các hoạt động của cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm được liên thông thông suốt trên phạm vi cả nước. Việc kết nối cần trên tinh thần tạo điều kiện tốt nhất cho các bộ, ngành, địa phương được thuận lợi trong quá trình sử dụng dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp và bảo đảm an sinh xã hội. Đây cũng chính là giải pháp quan trọng để ngành Bảo hiểm xã hội liên kết, đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương xây dựng và hoàn thiện kiến trúc chính phủ điện tử trong phạm vi ngành, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng chính phủ điện tử.

Chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp chính là vì mục tiêu xây dựng ngành Bảo hiểm xã hội hiện đại, chuyên nghiệp và thân thiện.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao chất lượng phục vụ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.