Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao chất lượng, hiệu quả chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội

Đình Hiệp| 21/07/2021 16:48

(HNMO) - Chiều 21-7, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ nhất, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.

Quang cảnh phiên họp chiều 21-7.

Trình bày Tờ trình về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bổ sung một dự án vào chương trình năm 2021.

Cụ thể, bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê vào chương trình kỳ họp thứ hai (tháng 10-2021) để trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến và thông qua theo quy trình tại một kỳ họp. Đồng thời, lùi thời gian trình dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) từ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ hai (tháng 10-2021) sang trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ ba (tháng 5-2022) và thông qua tại kỳ họp thứ tư (tháng 10-2022).

Sau khi điều chỉnh, bổ sung thì chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 sẽ là tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV (tháng 7-2021), thông qua một dự thảo Nghị quyết; còn tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV (tháng 10-2021), thông qua một dự án luật theo quy trình tại một kỳ họp và cho ý kiến 5 dự án luật khác.

Qua xem xét, đánh giá việc thực hiện chương trình các năm trước, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ dự kiến trình Quốc hội khóa XV xem xét thông qua tại kỳ họp thứ ba (tháng 5-2022) đối với 5 dự án luật, gồm: Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày tờ trình.

Về các dự án luật được đề nghị đưa vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ ba (tháng 5-2022), thông qua tại kỳ họp thứ tư (tháng 10-2022), Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ đưa vào Chương trình để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ ba (tháng 5-2022), thông qua tại kỳ họp thứ tư (tháng 10-2022) đối với 4 dự án luật, gồm: Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

Như vậy, dự kiến chương trình năm 2022 cụ thể như sau: Tại kỳ họp thứ ba (tháng 5-2022), thông qua 5 dự án luật đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ hai và dự thảo Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; cho ý kiến 5 dự án luật khác. Còn tại kỳ họp thứ tư (tháng 10-2022) sẽ thông qua 4 dự án luật đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ ba; cho ý kiến 2 dự án luật khác (trong đó có dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cho ý kiến lần 2).

Thảo luận về nội dung này, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định) cho biết, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã góp phần bảo đảm an toàn giao thông cũng như điều chỉnh hành vi của người tham gia giao thông. Tuy nhiên, Luật còn tồn tại nhiều bất cập trong thực tiễn như bảo đảm an toàn giao thông cho người đi bộ, tại các trường học, siêu thị…

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định) phát biểu.

“Xã hội càng văn minh thì người dân càng phải chấp hành tốt các quy định của pháp luật, trong đó có Luật Giao thông đường bộ. Vì thế, tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ cũng như các đơn vị liên quan xem xét trong khi chưa có sự thống nhất nội dung các luật về giao thông và chưa xây dựng luật mới thì cần đưa các nội dung đã được cụ thể hóa, luật hóa giúp giảm thiểu tai nạn giao thông, tiến tới sớm xây dựng Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), đưa luật này vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022”, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh kiến nghị.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) nêu ý kiến, dịch Covid-19 đã bùng phát suốt 2 năm qua, tác động không nhỏ đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của cả nước. Tuy nhiên, đến nay, Quốc hội chưa có văn bản chính thức độc lập về công tác phòng, chống dịch Covid-19. “Vì thế, tôi đề nghị Quốc hội cần có nghị quyết khẩn cấp về việc phòng, chống đại dịch Covid-19. Nhân dân cần Quốc hội mạnh mẽ hơn, quyết tâm hơn cùng Chính phủ cũng như các bộ, ban, ngành để sớm đẩy lùi đại dịch Covid-19 ở nước ta hiện nay”, đại biểu Nguyễn Anh Trí kiến nghị.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn Bình Định) đề nghị Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi, coi như luật khung để Bộ Y tế căn cứ vào đó ban hành các thông tư hướng dẫn trong từng lĩnh vực cụ thể. Ngoài việc chỉnh sửa các bất cập, luật sửa đổi cần luật hóa các hình thức khám, chữa bệnh mới, như khám, chữa bệnh từ xa...

Đánh giá cao chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Đoàn Bắc Ninh) đề xuất thêm Quốc hội chú trọng nâng cao kỹ năng xây dựng luật, pháp lệnh cho đại biểu Quốc hội, nhất là các đại biểu vừa trúng cử lần đầu, đồng thời, nâng cao hơn nữa vai trò phản biện chính sách để bảo đảm các luật, pháp lệnh phù hợp thực tiễn, nhận được sự đồng tình cao của xã hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Đoàn Bắc Ninh) phát biểu.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021. 

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, đã có 11 ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu và 1 ý kiến tranh luận. Trong đó, cơ bản các ý kiến nhất trí cao với nội dung tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời đóng góp thêm nhiều ý kiến cụ thể, thiết thực, đề xuất nhiều giải pháp cho công tác xây dựng luật, pháp lệnh nhằm góp phần thực hiện “mục tiêu kép” vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng, chống dịch Covid-19.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao chất lượng, hiệu quả chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.