(HNM) - Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa tổ chức tổng kết năm học 2019-2020, triển khai nhiệm vụ năm học 2020-2021, trong đó xác định 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Thẳng thắn nhìn nhận mặt còn tồn tại, hạn chế, quyết tâm khắc phục khó khăn để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và bảo đảm an toàn cho học sinh là quyết tâm của ngành Giáo dục Thủ đô trong năm học mới.
Nhận diện tồn tại
Kết quả đạt được trong năm học vừa qua đã tiếp thêm động lực cho thầy, trò toàn ngành Giáo dục Thủ đô tiếp tục nỗ lực, quyết tâm khắc phục khó khăn để dạy tốt, học tốt trong năm học 2020-2021 này. Theo đánh giá của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng, sự chuyển biến tích cực của ngành Giáo dục Thủ đô trong năm học 2019-2020 thể hiện ở nhiều mặt và đều khắp ở các nhà trường. Cụ thể, thành phố Hà Nội tiếp tục nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục với 144 giải cấp thành phố, 338 giải cấp quốc gia; có số bài thi đạt điểm 10 nhiều nhất; tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 99,17%, tăng 2,99% so với năm trước...
Bước sang năm học 2020-2021, quy mô của ngành Giáo dục Hà Nội tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ với 2.800 cơ sở giáo dục, hơn 2,1 triệu học sinh, tăng gần 68.000 học sinh so với năm học 2019-2020. Toàn ngành có thêm 44 trường học và hàng nghìn phòng học mới được bổ sung ở các nhà trường, tuy nhiên tại một số trường học, nhất là ở nơi đông dân cư, nơi có khu công nghiệp vẫn bị quá tải về học sinh.
Theo quy định tại Điều lệ trường học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sĩ số học sinh/lớp không quá 35 học sinh/lớp với cấp tiểu học, không quá 45 học sinh/lớp với cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông, song trên thực tế vẫn có một số trường ở các quận: Cầu Giấy, Ba Đình, Hoàng Mai, Hà Đông, Thanh Xuân... có sĩ số học sinh/lớp cao hơn quy định.
Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Lê Ngọc Quang, nguyên nhân của tình trạng trên là do dân số cơ học tăng nhanh, nhiều khu đô thị, khu công nghiệp tiếp tục được xây mới, trong khi công tác quy hoạch mạng lưới trường, lớp ở một số địa phương còn hạn chế. Đây là khó khăn nhất mà ngành Giáo dục Hà Nội đang phải đối mặt, đòi hỏi cần tập trung sức lực, trí tuệ để khắc phục, tạo môi trường học tập tốt nhất cho học sinh.
Theo bà Lê Thanh Thảo, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (quận Đống Đa), tình trạng sĩ số học sinh/lớp cao hơn quy định có phần nguyên nhân từ một số phụ huynh vẫn còn tâm lý chọn trường, chọn lớp…
Nỗ lực khắc phục
Để nâng cao chất lượng giáo dục, bảo đảm an toàn cho học sinh trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành Giáo dục Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc giải quyết căn cơ vấn đề quá tải học sinh để nâng cao chất lượng toàn diện.
Là đơn vị có tốc độ đô thị hóa nhanh, số lượng học sinh tăng nhanh, quận Thanh Xuân luôn ưu tiên kinh phí cho việc xây dựng bổ sung trường, phòng học. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân Phạm Gia Hữu cho biết, toàn quận hiện có hơn 64.000 học sinh. Để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh lâu dài, phòng tiếp tục tham mưu chính quyền địa phương cân đối nguồn lực xây dựng trường lớp học theo lộ trình, ưu tiên khu vực có mật độ dân cư cao.
Còn theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đan Phượng Bùi Thị Thu Hằng, bên cạnh việc đầu tư để tăng tỷ lệ trường đạt chuẩn từ hơn 90% lên 100% vào cuối năm nay, huyện tập trung rà soát quy hoạch mạng lưới trường học trên toàn địa bàn; nâng cấp, mở rộng và xây dựng bổ sung trường học đáp ứng sự phát triển về quy mô học sinh.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng khẳng định, thành phố bảo đảm đủ chỗ học cho học sinh và hiện tượng thiếu chỗ học chỉ xảy ra cục bộ. Bên cạnh việc tăng cường đầu tư xây dựng trường, lớp, ngành cũng triển khai nhiều giải pháp, như điều chỉnh tuyến tuyển sinh, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên..., nhằm giảm khoảng cách về chất lượng giữa các nhà trường, khắc phục hiện tượng chọn trường, lớp. Để nâng cao chất lượng giáo dục, bảo đảm an toàn cho học sinh, toàn ngành tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc phòng, chống dịch Covid-19; các nhà trường chủ động xây dựng kịch bản tổ chức dạy - học trong tình hình mới.
Nói về giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, ông Chử Xuân Dũng cho biết thêm: "Xác định yếu tố thể chất có vai trò quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe để học tập, rèn luyện tốt, năm học 2020-2021, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chỉ đạo các trường mầm non, tiểu học tiếp tục triển khai Chương trình sữa học đường, duy trì việc uống sữa miễn phí đối với tất cả học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, người dân tộc thiểu số... Sở cũng triển khai các biện pháp bảo đảm chất lượng bữa ăn bán trú; ngăn chặn các nguy cơ mất an toàn trong trường học, xây dựng môi trường học đường thân thiện...".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.