(HNM) - Trước sự cạnh tranh quyết liệt của các công ty đa quốc gia và hàng ngoại nhập, các DN Việt Nam cần tập trung nâng cao chất lượng.
Tuy nhiên, trước sự cạnh tranh quyết liệt của các công ty đa quốc gia và hàng ngoại nhập, các DN Việt Nam cần tập trung nâng cao chất lượng, đổi mới mẫu mã sản phẩm cùng với việc tổ chức tốt mạng lưới phân phối hàng hóa để hàng Việt khẳng định vị trí trên thị trường trong nước và quốc tế.
Nâng cao chất lượng, đổi mới mẫu mã sẽ góp phần giúp các sản phẩm của Việt Nam có chỗ đứng vững chắc tại thị trường trong nước. Ảnh: Hải Anh |
Tại buổi tọa đàm "Nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện CVĐ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trên địa bàn TP Hà Nội" do MTTQ TP Hà Nội tổ chức mới đây, các DN đều khẳng định, để một sản phẩm có thể đứng vững trên thị trường thì việc chú trọng cải tiến quản lý, đổi mới kỹ thuật và công nghệ nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, mẫu mã đẹp không thua kém hàng ngoại nhập với mức giá hợp lý cần được đặt lên hàng đầu. Từ đó, DN mới có thể tạo dựng lòng tin của NTD đối với hàng Việt. Đây là phương án được các DN cho là tối ưu nhất trong việc giúp người lao động tiếp tục có việc làm, đồng thời góp phần đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.
Ông Lương Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Khóa Việt - Tiệp, một trong những DN đầu tư nhiều cho việc nâng cao chất lượng và đổi mới mẫu mã sản phẩm phân tích: Việc chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm trong thời điểm này sẽ tạo cơ sở cho DN mở rộng thị trường, khắc phục tình trạng hàng sản xuất ra không tiêu thụ được làm ngừng trệ sản xuất, thiếu việc làm, đời sống khó khăn. Bên cạnh đó, sản xuất sản phẩm chất lượng cao, mẫu mã đẹp, hấp dẫn sẽ đáp ứng được thị hiếu NTD, từ đó tạo điều kiện cho DN tiêu thụ sản phẩm nhanh với số lượng lớn, giá trị tăng cao. Mặt khác, nó còn giúp DN giữ vị trí độc quyền với những sản phẩm đó do có những lợi thế riêng biệt so với các sản phẩm cùng loại khác trên thị trường. Từ đó, DN thu được lợi nhuận cao, có điều kiện để ổn định sản xuất, nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, tạo động lực phát triển bền vững.
Trước sự cạnh tranh quyết liệt của các công ty đa quốc gia và hàng ngoại nhập, mỗi DN trước hết phải tự thân nâng cao năng lực cạnh tranh và tiếp cận thị trường bằng chất lượng của sản phẩm, uy tín thương hiệu, đồng thời chú trọng xây dựng kênh phân phối của mình. Tuy nhiên, do phần lớn DN là các DN vừa và nhỏ nên rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc tạo điều kiện để tiếp cận các thông tin thành tựu công nghệ, giải pháp ứng dụng, xây dựng mạng lưới để trao đổi thông tin cung - cầu. Bên cạnh đó, cần có cơ chế khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi về vốn, thuế, đầu tư công nghệ… giúp DN giảm bớt chi phí sản xuất và phân phối hàng hóa; tư vấn chính sách để DN kết hợp được với các trường đào tạo, viện nghiên cứu thực hiện công tác nghiên cứu đổi mới sản phẩm, thiết bị. Qua đó, hỗ trợ DN triển khai các chương trình khuyến mãi sản phẩm, tổ chức các kỳ hội chợ, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, đến các khu công nghiệp, khu chế xuất…
Để xây dựng niềm tin và niềm tự hào đối với hàng Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" TP Hà Nội Đào Văn Bình cho rằng, ngoài chất lượng sản phẩm, thương hiệu, DN cần xây dựng, xác lập quyền thương hiệu nhằm ngăn chặn các hành vi xâm phạm và các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Mặt khác, các cấp có thẩm quyền cần sớm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ, đẩy mạnh các công tác thanh, kiểm tra, chống hàng giả, hàng nhái, xử lý nghiêm những hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhằm bảo vệ DN làm ăn chân chính và bảo đảm lợi ích của NTD.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.