(HNM) - Bộ GTVT sẽ ràng buộc trách nhiệm cao hơn của các đối tượng tham gia quy trình đào tạo, sát hạch lái xe.
Trước khi thực hiện chủ trương XHH (năm 2001), toàn quốc chỉ có 147 cơ sở đào tạo lái xe (cả ô tô và mô tô) với cơ sở vật chất thiếu thốn, lạc hậu. Sau hơn 10 năm triển khai XHH, đến nay cả nước có 316 cơ sở đào tạo lái xe ô tô, 463 cơ sở đào tạo lái xe mô tô. Hàng nghìn tỷ đồng đã được đầu tư nâng cấp cơ sở đào tạo, mua sắm trang thiết bị, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin... Cả nước đã có 96 trung tâm SHLX (49 trung tâm theo phương thức XHH), phân bổ ở 48 tỉnh, thành với tổng kinh phí đầu tư gần 1.500 tỷ đồng.
Trung tâm Sát hạch lái xe Sóc Sơn (Hà Nội) được đầu tư đạt tiêu chuẩn. Ảnh: Tuấn Lương |
Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhận xét: Chủ trương XHH đã huy động được các nguồn lực to lớn đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Việc xây dựng và đưa thí sinh vào sát hạch tại trung tâm SHLX có thiết bị chấm điểm tự động là bước đột phá, qua đó hạn chế tối đa tiêu cực. Việc ứng dụng công nghệ thông tin ở các nội dung sát hạch, đã góp phần công khai, từng bước nâng cao chất lượng sát hạch được người dân đánh giá cao. Bên cạnh đó đã hình thành cơ sở dữ liệu giấy phép lái xe toàn quốc, cho phép người có giấy phép lái xe có thể đổi ở bất kỳ cơ quan nào thay vì phải về cơ quan đã cấp giấy phép cũ để đổi…
Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Nguyễn Ngọc Phi cho rằng, Bộ GTVT đã đi sớm và đúng hướng trong vấn đề này. Cầu hiện rất lớn trong khi chính sách của Nhà nước là giảm đầu tư công, do đó cần tiếp tục định hướng trong chính sách, đẩy mạnh quản lý nhà nước về đào tạo, SHLX theo hướng tiêu chuẩn hóa, quy chuẩn hóa, để hướng tới XHH 100% lĩnh vực này.
Khẳng định là hướng đi đạt nhiều kết quả tích cực, song ông Nguyễn Văn Quyền thừa nhận cả nước vẫn còn 15 tỉnh chưa có trung tâm SHLX. Việc sát hạch phải sang các tỉnh khác gây tốn kém thời gian cho thí sinh. Đội ngũ giáo viên, nhất là về thực hành, mặc dù được tuyển chọn theo tiêu chuẩn quy định, nhưng thực tế mới ở mức "sàn", còn hạn chế về nghiệp vụ sư phạm và chậm cập nhật kiến thức mới. Thời gian qua đã xuất hiện không ít tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở đào tạo. Đã có những cơ sở chưa thực hiện đúng, đủ nội dung chương trình. Công tác thanh tra, kiểm tra ở một số địa phương chưa kịp thời phát hiện sai phạm để chấn chỉnh, uốn nắn.
Đại diện nhiều trung tâm đào tạo, SHLX kiến nghị cần sớm cải cách nội dung chương trình giảng dạy, chất lượng giáo viên, hình thức đào tạo... sao cho thực tế, linh hoạt hơn. Ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Trung tâm dạy nghề Thanh Thủy (tỉnh Phú Thọ) cho rằng, nội dung giảng dạy chưa phù hợp với đa số học viên, đặc biệt với người học để lái xe chuyên nghiệp. Không phải cứ tăng thật nhiều câu hỏi, nội dung thật phức tạp mà nên làm cho thật rõ ràng, mạch lạc, học xong người ta hiểu được, áp dụng được trong khi hành nghề và không làm nảy sinh tiêu cực trong khi sát hạch.
Khẳng định quan điểm tiếp tục đẩy mạnh XHH, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu ngay trong quý I-2014 phải phê duyệt tổng thể trung tâm SHLX; tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án nâng cao chất lượng đào tạo, SHLX. Đặc biệt, cần hiện đại hóa công tác đào tạo, sát hạch để giảm bớt sự can thiệp của con người và tăng cường công tác quản lý nhà nước cũng như sự giám sát của người dân. Đào tạo, SHLX kém không khác nào tạo ra những "cỗ máy giết người". Do đó, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để rà soát các văn bản quy phạm pháp luật; rà soát trung tâm SHLX, tiêu chuẩn đội ngũ giáo viên, quy trình đào tạo, quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn của đội ngũ sát hạch viên. Tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất các kỳ sát hạch và xử lý nghiêm vi phạm. Mở rộng thành phần hội đồng sát hạch, mời các ngành cùng tham gia để minh bạch hóa. Bộ GTVT sẽ ràng buộc trách nhiệm cao hơn của các đối tượng tham gia quy trình đào tạo, SHLX...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.