Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao chất lượng các tiêu chí

Nguyễn Mai| 07/04/2017 06:58

(HNM) - Hà Nội đang nỗ lực nâng cao chất lượng các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới để giữ vững danh hiệu.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn

Đến nay, TP Hà Nội có hai huyện Đan Phượng và Đông Anh đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); huyện Thanh Trì và Hoài Đức đang hoàn thiện thủ tục hồ sơ để trình Trung ương công nhận đạt chuẩn NTM thời gian tới. Ngoài ra, Hà Nội có 255/386 xã (chiếm 66% số xã) được UBND thành phố công nhận đạt chuẩn NTM. Trong số 131 xã còn lại, theo kết quả tự thẩm định của các địa phương: Có 5 xã đạt và cơ bản đạt 19 tiêu chí (tăng 5 xã so với năm 2016); 87 xã đạt và cơ bản đạt từ 15 đến 18 tiêu chí (giảm một xã so với năm 2016); 39 xã đạt và cơ bản đạt từ 11 đến 14 tiêu chí (giảm 3 xã so với năm 2016); không có xã nào đạt dưới 11 tiêu chí.


Hệ thống kênh mương thủy lợi được xây dựng đồng bộ, góp phần tích cực cho xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Bá Hoạt


Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực, Văn phòng Điều phối NTM Hà Nội Lê Thiết Cương, đạt được kết quả trên là sự nỗ lực chung của toàn thành phố trong triển khai thực hiện cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội nhằm đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Đáng nói, năm qua khu vực nông thôn Hà Nội đã giảm được gần 20.000 hộ nghèo. Đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến hết năm 2016 đạt 36 triệu đồng/năm. Đa số hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang; công tác y tế, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân có nhiều tiến bộ.

Ở một số địa phương, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt cao, đơn cử như: Huyện Đan Phượng đạt 80%, Phúc Thọ đạt 80,2%, Phú Xuyên đạt 75%, Chương Mỹ đạt 76%… Căn cứ vào tiêu chí đánh giá xã đạt chuẩn NTM theo Quyết định 1980/QĐ-TTg của Chính phủ, một số tiêu chí của Hà Nội đạt khá cao như: Trường học có 319 xã đạt và cơ bản đạt; cơ sở vật chất văn hóa 351 xã đạt và cơ bản đạt; cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn 350 xã đạt và cơ bản đạt...

Tuy vậy, việc triển khai xây dựng NTM còn một số khó khăn như: Hệ thống hạ tầng kinh tế, kỹ thuật nông thôn đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất và phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân; hạ tầng giao thông nông thôn, thủy lợi, điện phục vụ sản xuất ở nhiều nơi gặp khó khăn, nhất là vùng xa trung tâm; công tác quản lý quy hoạch, xây dựng, đất đai, vệ sinh môi trường còn nhiều hạn chế, bất cập. Ở một số làng nghề thiếu giải pháp bảo vệ môi trường, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân…

Nâng cao đời sống của người dân

Thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định 1980/QĐ-TTg của Chính phủ, yêu cầu chất lượng tiêu chí cao hơn. Ví như, tiêu chí môi trường tăng thêm 3 chỉ tiêu so với tiêu chí cũ gồm: Tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh bảo đảm 3 sạch; tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường; tỷ lệ hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm... Việc tăng chỉ tiêu nhằm hướng đến mục tiêu cốt lõi của chương trình xây dựng NTM là nâng cao đời sống người dân. Ông Lê Thiết Cương cho rằng, để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020", thời gian tới các huyện, thị xã và các xã phải tiếp tục xây dựng kế hoạch cụ thể và triển khai rốt ráo ở địa phương mình. Đi đôi với duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí ở các xã đã đạt, các địa phương tập trung chỉ đạo hoàn thành xây dựng NTM ở những xã còn lại.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Mục tiêu của thành phố là trong năm 2017 sẽ có thêm ít nhất 22 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, đến nay các xã đã đăng ký thêm, nâng tổng số xã phấn đấu hoàn thành xây dựng NTM lên 51 xã. Riêng với các xã này, Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy yêu cầu các huyện, thị xã chỉ đạo các xã quyết liệt tổ chức thực hiện những tiêu chí chưa đạt, cơ bản đạt để hoàn thành mục tiêu đặt ra; đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hồ sơ của huyện Thanh Trì và Hoài Đức trong tháng 4-2017 để trình Ban Chỉ đạo trung ương xét công nhận đạt chuẩn NTM. Với hai huyện Gia Lâm, Phúc Thọ đăng ký đạt chuẩn NTM năm 2017, cùng với việc chỉ đạo các xã còn lại đạt chuẩn NTM, cần tổ chức thực hiện 9 tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới quy định tại Quyết định 558/TTg của Thủ tướng Chính phủ để phấn đấu cuối năm 2017 đủ điều kiện đề nghị Ban Chỉ đạo trung ương xét, công nhận đạt chuẩn NTM.

Nhằm hỗ trợ các địa phương sớm "cán đích" NTM, TP Hà Nội đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, hướng dẫn các huyện, thị xã và các xã tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch NTM bảo đảm phù hợp với thực tiễn, đồng thời xây dựng quy hoạch chi tiết khu trung tâm xã, điểm dân cư nông thôn... theo đúng quy định. Mặt khác, thành phố sẽ cân đối, bố trí nguồn lực tập trung cho các xã đăng ký “về đích” NTM năm 2017.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao chất lượng các tiêu chí

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.