Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nặng bên nọ, nhẹ bên kia

Quỳnh Phạm| 22/02/2011 07:01

(HNM) - Sau hội nghị tuyển sinh vừa diễn ra, nhiều trường ĐH đã sẵn sàng phương án tuyển sinh năm 2011 với nhiều nét mới nhằm thu hút thí sinh. Tuy nhiên, làm sao cân đối được nhu cầu của xã hội và của thí sinh vẫn đang là bài toán khó với cả người học, người dạy và nhà quản lý.

Vẫn hút thí sinh bằng nhóm ngành kinh tế

Để tăng tính hấp dẫn, Trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam năm nay đã đổi tên nhiều ngành học: Ngành Công nghiệp và phát triển nông thôn đổi thành Công thôn; ngành Thiết kế, chế tạo đồ mộc và nội thất đổi thành ngành Thiết kế nội thất; Kỹ thuật xây dựng công trình đổi thành Kỹ thuật công trình xây dựng; Lâm học đổi thành Lâm sinh; Kinh tế Lâm nghiệp đổi thành Kinh tế Nông nghiệp; Công nghệ thông tin đổi thành Hệ thống thông tin. Trường ĐH Hàng Hải bổ sung thêm ngành Toàn cầu hóa và thương mại vận tải. Trường ĐH Hùng Vương - Phú Thọ mở thêm ngành Sư phạm hóa và dự kiến mở thêm ngành liên kết đào tạo du lịch và kỹ thuật điện.

Lựa chọn ngành học phù hợp là mối quan tâm hàng đầu của các thí sinh. Ảnh: Nhật Nam

Một số trường còn hướng tới mở rộng vùng tuyển và đối tượng tuyển sinh. Năm nay, Trường ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh sẽ tuyển sinh trong cả nước với tất cả các ngành thay vì quy định vùng tuyển như mọi khi. Trường ĐH Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh bắt đầu tuyển nữ vào nhóm ngành Hàng hải là ngành Điều khiển tàu biển và Khai thác máy tàu thủy cho cả hệ ĐH, CĐ.

Tuy nhiên, trong các ngành mới mở và số chỉ tiêu xin tăng thêm, chiếm đa số vẫn là nhóm ngành kinh tế. Như Trường ĐH Hà Tĩnh mở thêm 3 ngành là Tài chính ngân hàng, Marketing, Việt Nam học. Trường ĐH Tài chính - marketing dự kiến mở mới chuyên ngành Thuế nằm trong ngành Tài chính ngân hàng. Trường ĐH An Giang dự kiến sẽ tuyển thêm ngành mới là Giáo dục Mầm non, Luật kinh doanh, Kế toán - kiểm toán. Trong số các trường thuộc ĐH Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (tuyển sinh toàn quốc) xin tăng chỉ tiêu, Trường ĐH Kinh tế - Luật dự kiến tăng nhiều nhất với 110 chỉ tiêu. Năm 2011, ĐH Đà Nẵng dự kiến tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 11.150 (tăng trên 9% so với năm trước), trong đó riêng trường thành viên ĐH Kinh tế có 2.250 chỉ tiêu, tăng hơn 400 so với năm 2010. Đồng thời, ngoài khối A, năm nay trường còn tuyển sinh thêm khối D1, D2, D3, D4 nhằm mở rộng đối tượng tuyển sinh. Ở ĐH Huế, trong số 1.260 chỉ tiêu tăng thêm có gần 1.000 chỉ tiêu thuộc nhóm ngành kinh tế. Năm nay, Trường ĐH FPT cũng có nhiều chuyên ngành mới thuộc hai khối ngành Công nghệ thông tin (CNTT) và Quản trị kinh doanh - Tài chính ứng dụng CNTT. Chỉ tiêu tuyển sinh năm 2011 của Trường Đại học FPT là 2.500 sinh viên trên toàn quốc.

Cần ưu tiên cho ngành khó tuyển

Tình trạng nhiều trường vẫn dựa vào nhóm ngành kinh tế để hút thí sinh làm dấy lên mối lo ngại về sự mất cân đối về cơ cấu ngành nghề trong tương lai không xa. Trường ĐH FPT đã thực hiện một cuộc khảo sát về nhu cầu học của 10.000 học sinh lớp 12. Kết quả cho thấy nhu cầu học ngành tài chính, kế toán, ngân hàng chiếm tỷ lệ cao nhất với 40%. Tiếp theo là ngành thương mại, ngoại thương (11%). Thứ ba là ngành du lịch, khách sạn, nhà hàng (8,24%). Thứ tư là ngành quản trị kinh doanh (7,6%). Thứ năm là ngành xây dựng - kiến trúc và CNTT (6%). Những ngành nghề có nhu cầu học thấp nhất (khoảng 2-3%) gồm có sư phạm, luật, y dược và các ngành thuộc lĩnh vực công an, quân đội.

Tuy nhiên, Báo cáo xu hướng việc làm Việt Nam năm 2010 được công bố mới đây không liệt nhóm ngành kinh tế - tài chính vào diện "báo động đỏ" trong 5 năm tới trong khi lại dự báo nhiều ngành đang hấp dẫn có thể sẽ bão hòa vào năm 2015. Theo đó, ngành hiện có tỷ lệ có việc làm cao nhưng lại có xu hướng giảm vào năm 2015 gồm: khai khoáng, công nghiệp chế biến - chế tạo, sản xuất phân phối điện, khí đốt, cung cấp nước, xây dựng, thông tin, truyền thông, giáo dục, y tế và hoạt động trợ giúp xã hội, nghệ thuật và vui chơi giải trí. Ngành có tỷ lệ có việc làm giảm nhiều nhất là khai khoáng - từ 10,6% năm 2011 xuống còn 9,6% năm 2015. Đáng chú ý là những ngành đang "hot" vẫn hiện diện trong số những ngành nghề sẽ tăng nhu cầu việc làm vào năm 2015 gồm: tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; kinh doanh bất động sản; khoa học công nghệ; hành chính và dịch vụ hỗ trợ… Trong số các ngành này, ngành có nhu cầu việc làm tăng cao nhất là hoạt động Đảng, đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ… Tuy nhiên, những ngành này lại có nguy cơ giảm mạnh tới 50% việc làm vào năm 2020.

Trước mắt, những ngành học xã hội có nhu cầu nhưng lại không được thí sinh mặn mà đang phải đối mặt với việc ngày càng khó tuyển. Nhiều trường đã phải đóng ngành do thiếu người học. Tại hội nghị tuyển sinh năm 2011, Thứ trưởng Bùi Văn Ga đã đề cập tới khả năng hạ điểm sàn với những ngành cần thiết cho sự phát triển của đất nước, vừa giảm bớt khó khăn cho các trường vừa tạo điều kiện giúp thí sinh có chỗ học.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nặng bên nọ, nhẹ bên kia

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.