Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nạn trộm cắp, lừa đảo tại bệnh viện: Khó giải quyết triệt để

Tuệ Diễm| 26/06/2015 07:09

(HNM) - Lợi dụng sự đông đúc, quá tải tại các bệnh viện chuyên khoa tại TP Hồ Chí Minh, các đối tượng xấu tìm cách móc túi, trộm cắp tài sản của bệnh nhân.

Có mặt tại khu vực khám bệnh của Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh, chúng tôi ghi nhận cứ 30 phút, loa phát thanh bệnh viện lại phát thông tin nhắc nhở bệnh nhân đề phòng bị móc túi. Cảnh báo liên tục, song vì số lượng bệnh nhân quá đông khiến kẻ gian vẫn lợi dụng trộm cắp tài sản.


Đang điều trị ung thư tại Bệnh viện Ung bướu, chị Phan Thị Thúy An bị rạch túi xách, mất toàn bộ giấy tờ gồm CMND, thẻ BHYT và tiền. Không tự đi lại được, chị An phải chờ người thân về Đắk Lắk để xin ủy quyền làm thủ tục làm lại giấy tờ… Theo thống kê, gần 2 tuần đầu tháng 6, lực lượng bảo vệ bệnh viện nhận được 4 trường hợp bệnh nhân báo bị mất đồ. Phó Trưởng phòng Hành chính - Quản trị, Bệnh viện Ung bướu Võ Duy Thức cho biết: "70% bệnh nhân là bà con ở vùng quê về thành phố chữa bệnh. Họ thật thà và hay sơ hở nên kẻ gian rất dễ ra tay. Bệnh viện đã bố trí mỗi điểm tiếp nhận bệnh nhân đến khám 1-2 bảo vệ nhưng vẫn xảy ra vài vụ mất cắp, chủ yếu là điện thoại di động, ví tiền".

Tương tự, tại các bệnh viện thường xuyên quá tải như Nhi đồng 1 và 2, Chấn thương chỉnh hình, Da liễu... cũng thường xảy ra tình trạng bệnh nhân, người nhà của họ bị mất cắp tài sản. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2015, Bệnh viện Nhi đồng 1 phát hiện và xử lý 15 vụ việc mất cắp, móc túi, 31 vụ việc gây rối mất an ninh trong bệnh viện.

Tại một số bệnh viện, ngoài trộm cắp, kẻ xấu còn sử dụng chiêu thức lừa đảo người bệnh. Mới đây, em Phan Văn Luân 22 tuổi, con của bệnh nhân Nguyễn Thị Diệp (ở Châu Thành, Trà Vinh) đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy bị kẻ gian lừa lấy 2,5 triệu đồng. Gia đình Luân khó khăn, mẹ lại bị bệnh tim phải thay van 2 lá, sửa van 3 lá với chi phí phẫu thuật hơn 90 triệu đồng. Do không có tiền phẫu thuật, mẹ Luân đã được Đơn vị Y xã hội và Bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp với một tờ báo đăng bài để nhờ Mạnh Thường Quân giúp đỡ. Sau khi báo đăng vài ngày thì một người tự xưng là phóng viên viết bài gọi điện báo cho Luân đã nhận được 50 triệu đồng từ Mạnh Thường Quân giúp đỡ. Người này yêu cầu Luân nạp card điện thoại để làm thủ tục nhận tiền. Do thật thà, Luân đã nạp hết 2,5 triệu đồng tiền card, nhưng chờ mãi không thấy người đến đưa tiền. Biết mình bị lừa tiền Luân mới tìm đến ông Lê Minh Hiển, Trưởng đơn vị Y xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy xin giúp đỡ...

Trước tình hình trộm cắp, móc túi, nhiều biện pháp ngăn ngừa đã được các bệnh viện chủ động thực hiện. Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh đã ký hợp đồng tăng cường thêm 5 bảo vệ cho mỗi ca trực. Bệnh viện lập quy chế, cấm các đối tượng thu lượm ve chai, người bán vé số vào bệnh viện...

Cuối tháng 7-2014, Bộ Y tế đã có công văn chỉ đạo các bệnh viện trên toàn quốc tăng cường kiểm tra an ninh, trong đó cho phép lắp đặt camera an ninh. Bệnh viện Chợ Rẫy gắn 200 camera giám sát toàn bộ khu vực bệnh viện, Bệnh viện Nhi đồng 1 gắn 52 camera giám sát ở những khu vực nhạy cảm. Theo ông Trần Cư - Tổ trưởng Tổ bảo vệ Bệnh viện Chợ Rẫy, nhờ có hệ thống camera hỗ trợ, năm 2015, tình trạng mất cắp giảm, chỉ xảy ra vài trường hợp. Các vụ việc này cũng được xử lý nhờ camera an ninh theo dõi, kịp thời bắt giữ đối tượng trộm cắp.

Mặc dù vậy, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 Lê Bích Liên cảnh báo: Càng ngày, trộm cắp càng tinh vi, dùng nhiều chiêu thức để lấy cắp tiền và né cả camera an ninh. Bệnh viện rất khó khăn trong công tác kiểm soát an ninh. Bởi vậy, bệnh nhân, thân nhân phải đồng hành cùng bệnh viện đề cao cảnh giác trước kẻ gian thì mới có thể giảm bớt tình trạng trên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nạn trộm cắp, lừa đảo tại bệnh viện: Khó giải quyết triệt để

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.