(HNM) - Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng thủy văn trung ương, vụ xuân 2010-2011 mực nước sông Hồng có thể lặp lại mức thấp nhất trong lịch sử đã xảy ra năm 2010, khô hạn ở miền Bắc sẽ gay gắt.
Vận hành máy bơm chống hạn tại Trạm bơm Vân Đình. Ảnh: Nguyệt Ánh
Giám đốc Công ty Thủy lợi (CTTL) sông Tích cho biết, tâm điểm chống hạn vụ xuân này đối với hệ thống là 3.300ha thuộc lưu vực tưới hồ Đồng Mô và ven sông Tích. Công ty đang khẩn trương hoàn thành lắp đặt trạm bơm (TB) dã chiến Phù Sa và TB Xuân Phú 10 máy 1.000m3/h để vận hành tiếp nước cho vùng tưới lấy nước hồ Đồng Mô thuộc Quốc Oai. Từ cuối tháng 11, CTTL sông Tích đã hoàn thành việc nạo vét, bể hút, kênh dẫn cho vận hành sớm 2 TB Trung Hà, Sơn Đà để trữ nước vào các kênh tiêu và tiếp nguồn cho sông Tích hỗ trợ tưới cho lưu vực.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội, Nghiêm Xuân Đông cho biết, vụ xuân này hạn hán được cảnh báo sẽ khốc liệt hơn nên Hà Nội sớm thành lập BCĐ sản xuất và chống hạn, duyệt phương án chống hạn của 5 công ty thủy lợi, kiểm tra toàn hệ thống để xây dựng kế hoạch chống hạn của TP theo tinh thần chủ động sát thực tế các vùng miền. Về giải pháp công trình có thể yên tâm khi hệ thống các TB cơ bản đáp ứng cho chống hạn. Các công ty đang khẩn trương sửa chữa, bảo dưỡng các thiết bị cơ điện, tu sửa các công trình thủy công, các máy bơm, nạo vét, khai thông các trục tiêu để trữ nước chống hạn. Do mực nước sông Hồng và các sông đều quá thấp nên 5 công ty thủy lợi đã khẩn trương lắp đặt các TB dã chiến, trong đó ngoài 64 TB với 211 máy dã chiến đã đầu tư kinh phí năm trước được lắp đặt lại, các công ty lắp đặt bổ sung thêm 7 TB với 27 máy đưa tổng số TB dã chiến phục vụ chống hạn lên 71 TB với 240 máy bơm. Hiện tại, 5 công ty thủy lợi đã đầu tư 25 tỷ đồng thuộc vốn khấu hao cơ bản cho việc lắp đặt lại 64 TB dã chiến từ năm trước. Đặc biệt 2 TB dã chiến lớn được xác định là công trình trọng điểm giải cứu cho chống hạn khi mực nước sông Hồng quá thấp là Bá Giang 25 máy 1.000m3/h và Thanh Điềm 16 máy 1.000m3/h đã hoàn thành cuối vụ xuân năm 2000 được đưa vào chống hạn rất hiệu quả.
Như vậy kinh phí đầu tư cho chống hạn vụ xuân này từ nguồn ngân sách TP khoảng 45 tỷ đồng. Hà Nội sẽ sớm cấp nước cho những vùng khó khăn từ ngày 1-1-2011 và đổ ải đại trà từ ngày 26-1-2011. Sở NN&PTNT sẽ chỉ đạo sát sao lịch điều hành, điều phối nguồn nước, quản lý chặt chẽ, triệt để, tiết kiệm, lấy nước đồng bộ khẩn trương theo 2 đợt xả nước và yêu cầu các công ty hỗ trợ nhau quyết tâm chống hạn hiệu quả.
12.700ha phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Trần Xuân Việt khẳng định, Hà Nội quyết tâm chống hạn ở mức cao nhất nhưng không bằng mọi giá, tức là nếu chi phí quá cao đổ tiền vào mà hiệu quả thấp sẽ phải tính toán kỹ. Sở NN&PTNT chỉ đạo 5 công ty bàn bạc với các huyện công khai những diện tích quá khó khăn phải bơm nhiều cấp, chi phí quá lớn thì kiên quyết lên kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, bởi đã căng khi đổ ải thì nguồn tưới dưỡng còn khó khăn gấp nhiều lần. Hiện tại, theo phương án nếu các hồ quốc gia xả nước 2 đợt theo dự kiến thì Hà Nội sẽ có 12.700ha gặp khó khăn, còn nếu các hồ chỉ xả 1 đợt thì diện tích khó khăn lên tới 29.600ha.
Tuy nhiên, vấn đề chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn đang rất nan giải, các huyện đều trông chờ vào các công ty phải cấp đủ nước, cơ cấu cây trồng cạn chưa đa dạng, phong phú, tập quán canh tác của người dân chưa thay đổi. Sở NN&PTNT đề nghị 5 công ty rà soát thống nhất với các huyện xác định diện tích ở cuối nguồn, việc cấp nước rất nan giải cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng để không cấy quá muộn thời vụ và không thể đủ nước tưới dưỡng. Để tháo gỡ vấn đề này, Sở NN&PTNT đã phối hợp với Sở Tài chính xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ người dân để khuyến khích quá trình chuyển đổi trình UBND TP quyết định sớm. Theo khuyến cáo của Bộ NN&PTNT, địa phương cần chuyển đổi 10-15% diện tích quá khó khăn thì Hà Nội phấn đấu chuyển 12.700ha là cần thiết trong tổng diện tích cấy là 128.800ha.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.