(HNM) - Thực hiện Tháng hành động vì an toàn thực phẩm đi đôi với tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thông tin tuyên truyền, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm của 10 quận, huyện.
Lực lượng chức năng kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại một cơ sở. |
Kiểm tra là ra vi phạm
Theo Sở NN&PTNT, thực hiện Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, các đơn vị trực thuộc Sở đã thành lập 5 đoàn; các trạm thú y phối hợp với quận, huyện, thị xã thành lập 30 đoàn thanh tra, kiểm tra, đánh giá xếp loại cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, nông sản, kiểm soát sản phẩm động vật trên địa bàn thành phố. Theo đó, các đoàn của Sở đã phối hợp với Công an thành phố, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra 17 cơ sở sản xuất kinh doanh nông sản, phát hiện 10 cơ sở vi phạm. Các lỗi vi phạm chủ yếu là kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm về nhãn hàng hóa, không bảo đảm điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm... Qua đó, xử phạt vi phạm hành chính 96 triệu đồng. Trạm thú y 30 quận, huyện, thị xã phối hợp với đoàn liên ngành của địa phương kiểm tra 1.424 lượt cơ sở, phát hiện 127 trường hợp vi phạm. Các đoàn kiểm tra đã tiêu hủy 18 con gà lông, 42kg thịt gia cầm không bảo đảm an toàn; niêm phong 2.410kg sản phẩm thịt gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc chờ xử lý; yêu cầu khắc phục về nhãn 138kg sản phẩm đã qua chế biến...
Về khó khăn trong công tác quản lý an toàn thực phẩm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Trần Mạnh Giang cho biết, các cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ; ý thức chấp hành quy định của người sản xuất, kinh doanh chưa cao; thực phẩm không rõ nguồn gốc vẫn "tuồn" về Hà Nội... là những cái khó đang hiện hữu với cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, bộ máy tổ chức, cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm tại các địa phương còn thiếu, lại chưa chuyên trách. Chính quyền một số địa phương chưa quyết liệt trong quản lý an toàn thực phẩm, kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm... Việc kiểm tra, xử lý vi phạm chưa nghiêm, chủ yếu là nhắc nhở nên vi phạm liên tục tái diễn. Một bộ phận người tiêu dùng chưa quan tâm đến an toàn, nguồn gốc xuất xứ thực phẩm, chưa có thói quen sử dụng thịt mát, thịt cấp đông nên khó thúc đẩy được các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn đầu tư, phát triển. Cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm, nông nghiệp hữu cơ chưa phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của thành phố, chưa thật sự khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào sản xuất nông nghiệp.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Phạm Xuân Tài, qua quá trình kiểm tra các cơ sở kinh doanh ăn uống, nông, lâm thủy sản trên địa bàn quận cho thấy, một số cơ sở không xuất trình được các giấy tờ pháp lý liên quan tới hoạt động sơ chế kinh doanh, hồ sơ nguồn gốc của các loại thực phẩm đang bày bán; nhân viên tại cửa hàng chưa được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động...
Tuyên truyền đi đôi với xử phạt
Để nâng cao hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm, theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, thời gian tới, các sở, ngành tiếp tục tham mưu cho thành phố sớm kiện toàn bộ máy chuyên trách thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản tại cấp quận, huyện, xã, phường, thị trấn; đồng thời, có cơ chế tạo quỹ đất sạch, hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp xây dựng chợ đầu mối nông sản phẩm an toàn để quản lý tốt các nguồn thực phẩm vào thành phố; bố trí đủ kinh phí, cán bộ chuyên môn nghiệp vụ cho các cơ quan được phân công nhiệm vụ kiểm tra, đánh giá, phân loại và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản; quản lý sản xuất ban đầu nhỏ lẻ theo quy định Bộ NN&PTNT và phân cấp của thành phố. Chính quyền địa phương chỉ đạo đơn vị liên quan, các xã, phường, thị trấn tăng cường tuyên truyền phổ biến những văn bản pháp quy về chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực nông, lâm thủy sản và báo cáo định kỳ, đột xuất theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, các xã, phường, thị trấn tổ chức kiểm tra, đánh giá xếp loại, xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm cho chủ cơ sở kinh doanh nông, lâm thủy sản; tổ chức ký cam kết với các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ thuộc địa bàn quản lý. Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây Phùng Huy Vinh kiến nghị, cần có cơ chế, chính sách phù hợp hỗ trợ phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn nhằm tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư vào sản xuất nông nghiệp an toàn; bổ sung giới hạn về thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật... trong sản phẩm thực phẩm nông, lâm thủy sản. Các sở, ngành chức năng thường xuyên mở các lớp tập huấn nâng cao trình độ cho cán bộ làm công tác quản lý an toàn thực phẩm ở địa phương để kịp thời xử lý những phát sinh trong quá trình kiểm tra...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.