Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nan giải thủ tục hành chính

Phong Thu| 08/03/2011 07:02

(HNM) - Đề án 30 (về đơn giản hóa thủ tục hành chính) của Chính phủ đã đạt được kết quả quan trọng, nhiều thủ tục hành chính (TTHC) rườm rà, cản trở sự phát triển của các dự án, ảnh hưởng đến việc đầu tư của các DN trong và ngoài nước đã được phát hiện, tháo gỡ, điển hình là các dự án thuộc cơ chế phát triển sạch (CDM).


Thanh niên tình nguyện Công ty Honda tham gia mô hình trồng rừng theo cơ chế CDM ở huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình.

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), tiềm năng CDM ở Việt Nam rất lớn, nhất là trong các lĩnh vực năng lượng (điện gió, thủy điện…) và lâm nghiệp. Bộ TN-MT tính toán, nếu được đầu tư phù hợp và thuận lợi, trong 5 năm (2008 - 2012), các dự án CDM sẽ mang lại nguồn thu nhập ròng thêm đến 250 triệu USD. Còn theo tính toán của Công ty cổ phần Tư vấn năng lượng và môi trường Việt Nam (VNEEC) - đơn vị tư vấn về các dự án CDM, chỉ riêng các dự án CDM thuộc lĩnh vực thủy điện, giá trị ròng về bán tín chỉ khí thải các-bon cũng bằng khoảng 20 đến 25% giá trị ròng thu về của bán điện. Các nhà đầu tư cũng cho rằng, việc đầu tư vào các dự án CDM ở Việt Nam khá hấp dẫn bởi Việt Nam có nhiều tiềm năng to lớn về các dự án năng lượng tái tạo và trồng rừng. Việt Nam đã được đánh giá cao khi mô hình trồng rừng của bà Bùi Thị Nhâm (xã Xuân Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) thành công ngoài mong đợi. Gia đình bà Nhâm đã chăm sóc 6.000 m2 đất trồng cây keo thuộc dự án trồng rừng theo cơ chế CDM từ năm 2008. Hằng năm, bà được dự án cung cấp phân bón, hướng dẫn kỹ thuật và cấp một phần kinh phí. Đến nay, cây keo đang phát triển tốt, dần phủ kín đồi núi trọc, bỏ hoang trước đây. Dự án này đã được Ban Chấp hành quốc tế về các dự án CDM cho đăng ký là dự án CDM. Liên hợp quốc đã công nhận đây là mô hình thành công đầu tiên ở Việt Nam và thứ hai trên thế giới (sau một dự án ở Trung Quốc) theo cơ chế CDM. Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu thuận lợi, sau 17 năm thực hiện, dự án này sẽ cho tổng doanh thu hơn 25,5 tỷ đồng; kèm theo đó là những lợi ích thiết thực như tạo việc làm ổn định cho người lao động, bảo vệ môi trường… Đặc biệt, Việt Nam có thể mở rộng các dự án tương tự bởi cả nước hiện còn hàng triệu hécta đất trống, đồi núi trọc.

Tuy nhiên, Việt Nam chưa phát huy được lợi thế tiềm năng của mình. Sau 8 năm tham gia CDM (từ 2002), đến nay, Việt Nam mới có 26 dự án (trong đó, gần 50% thuộc lĩnh vực thủy điện) được Ban Điều hành quốc tế (EB) phê duyệt (trong tổng số hơn 2.200 dự án CDM của gần 40 quốc gia).

Trong quá trình thực hiện Đề án 30, nhóm công tác thuộc Hội đồng Tư vấn CCTTHC của Chính phủ rà soát TTHC trong lĩnh vực CDM đã tìm hiểu kỹ thực trạng, nguyên do và phát hiện: DN Việt Nam đang gặp hàng loạt khó khăn khi tiếp cận các dự án CDM; TTHC rắc rối, phức tạp khiến các nhà đầu tư nước ngoài e ngại khi tiếp cận với các dự án tại Việt Nam. Kết quả rà soát cho thấy, một dự án CDM tại Việt Nam được đăng ký quốc tế theo cơ chế phát triển sạch, DN đầu tư dự án phải chuẩn bị hồ sơ theo thủ tục cấp Thư xác nhận ý tưởng và Thư phê duyệt tài liệu thiết kế. Tổng thời gian là 75 ngày (nhiều hơn các nước khác từ 10 đến 15 ngày). Song, trên thực tế, thời gian để hoàn thành 2 thủ tục này thường kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm, thậm chí lâu hơn do có nhiều cơ quan thành viên và nhiệm vụ chồng chéo. Cụ thể, để phê duyệt dự án, Việt Nam đã thành lập một Ban chỉ đạo có tới 18 thành viên, thuộc 14 cơ quan khác nhau (trong khi Trung Quốc chỉ có 7; Ấn Độ có 9 cơ quan). Chính vì bộ máy cồng kềnh như vậy nên các cuộc họp thẩm định để phê duyệt dự án không được tổ chức thường xuyên, không có quy định về thời hạn dẫn đến thời hạn xét duyệt thường bị kéo dài và tốn kém.

Nhằm tạo sự thuận lợi cho DN, thu hút các nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ đã lấy ý kiến các bên có liên quan, đề xuất phương án: rút gọn lại thành viên ban chỉ đạo theo hướng tùy từng TTHC có liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư CDM; quy định rõ quy trình, thời gian thực hiện phê duyệt dự án của Ban chỉ đạo; đơn giản hóa một số giấy tờ, thủ tục trùng lắp… Theo luật sư Nguyễn Hưng Quang, Trưởng nhóm CDM, thành viên Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC, sau nhiều lần thảo luận với chuyên gia và nhóm công tác, các bên liên quan cũng đã đạt được sự đồng thuận về việc phải làm rõ hơn, thuận tiện và dễ thực thi hơn các TTHC trong lĩnh vực này. Vì thế, Bộ TN-MT đang nghiên cứu, soạn thảo thông tư liên quan đến các dự án CDM, trong đó, có những điểm mới, đặc biệt là việc đơn giản thủ tục, nhằm tạo thuận lợi cho DN, nhà đầu tư, nâng cao tính cạnh tranh của các dự án CDM ở Việt Nam.

CDM là cơ chế được thiết lập trong khuôn khổ Nghị định thư Kyoto (Nhật Bản) tháng 12-1997; theo đó, các nước phát triển (các nước công nghiệp) hỗ trợ, khuyến khích các nước đang phát triển thực hiện các dự án thân thiện với môi trường. Việt Nam tham gia Nghị định thư Kyoto vào năm 2002, đã đạt được cả 3 điều kiện để tham gia một cách đầy đủ nhất vào các dự án CDM quốc tế (đó là tham gia hoàn toàn tự nguyện; phê chuẩn Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, ký kết Nghị định thư Kyoto; thành lập cơ quan có thẩm quyền quốc gia về CDM).
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nan giải thủ tục hành chính

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.