Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nan giải ở miền Nam Thái Lan

Đình Hiệp| 07/09/2012 06:54

(HNM) - Bất ổn tại ba tỉnh cực Nam Thái Lan gồm Yala, Pattani, Narathiwat một lần nữa trở thành rắc rối, nan giải với Chính phủ của nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra khi liên tiếp những ngày qua các phần tử ly khai tiến hành một loạt vụ đánh bom, đốt phá khiến nhiều binh sĩ và thường dân thiệt mạng.


Vụ tấn công nhằm vào chiếc xe tải của quân đội Thái Lan ngày 3-9 tại tỉnh Narathiwat khiến 5 binh sĩ bị thương là ví dụ mới nhất cho thấy tình trạng bất ổn ở đây nghiêm trọng đến mức nào.


Hiện trường một vụ tấn công của phiến quân ở miền Nam Thái Lan.

Đây không phải lần đầu tiên bạo lực xảy ra tại ba tỉnh miền Nam bất ổn này. Căng thẳng bùng phát từ năm 2004 khi các phần tử Hồi giáo cực đoan đột kích vào doanh trại quân đội cướp đi 400 khẩu súng và bạo động bùng nổ sau cuộc trấn áp của các lực lượng an ninh Thái Lan khiến 108 người Hồi giáo tham gia các vụ tấn công Văn phòng Chính phủ và các chốt kiểm soát ở thủ đô Bangkok bị thiệt mạng. Tình hình trở nên nghiêm trọng hơn khi các phần tử Hồi giáo cực đoan đòi thành lập một nhà nước Hồi giáo ly khai ở miền Nam và tuyên bố sẽ tấn công vào các trung tâm Phật giáo, trong đó có thủ đô Bangkok... Từ đó đến nay, qua nhiều đời thủ tướng cùng nhiều giải pháp được đưa ra nhưng Chính phủ Thái Lan vẫn chưa giải quyết dứt điểm tình trạng bất ổn tại đây.

Với lực lượng khoảng 9.000 tên, suốt 8 năm qua các phần tử Hồi giáo cực đoan thực hiện hàng trăm vụ tấn công bạo lực nghiêm trọng khiến hơn 5.000 người chết và hàng chục nghìn người bị thương. Các vụ bạo loạn không chỉ gây bất ổn về an ninh - chính trị, mà còn gây thiệt hại đáng kể về kinh tế. 8 năm qua, Chính phủ Thái Lan đã phải chi ngót 6 tỷ USD để phục hồi và phát triển khu vực miền Nam do bị tàn phá bởi vụ tấn công bạo lực.

Trước tình trạng bất ổn ngày càng gia tăng, ảnh hưởng đến cuộc sống của những người dân, Chính phủ Thái Lan mới đây tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp quân sự và tăng cường an ninh cho miền Nam. Trong đó có cả việc tuần tra giám sát bằng máy bay quân sự nhằm kiểm soát tình hình. Thủ tướng Yingluck Shinawatra cũng để ngỏ khả năng phối hợp với Malaysia trong việc bảo đảm an ninh cho khu vực cực Nam giáp biên giới với nước láng giềng này. Từ giữa tháng 8 vừa qua, Chính phủ Thái Lan đã quyết định chi hàng chục triệu USD trợ giúp người dân bị ảnh hưởng do bất ổn tại khu vực miền Nam. Theo đó, mỗi trường hợp bị chết hoặc bị thương được nhận 500.000 baht (tương đương 15.000 USD). Quyết định này nhằm đáp ứng đòi hỏi quyết liệt của thân nhân những người thiệt mạng do bất ổn tại khu vực miền Nam trong nhiều năm qua.

Không dừng lại ở đó, với mục đích thống nhất đầu mối hoạt động của quân đội, cảnh sát cũng như các cơ quan hữu quan nhằm giải quyết bằng được tình hình phức tạp tại các tỉnh miền Nam - nơi có hơn 80% người dân theo đạo Hồi sinh sống - một trung tâm chỉ huy đặc biệt đã được Chính phủ Thái Lan thành lập và đi vào hoạt động gần một tháng nay. Bên cạnh đó, một đơn vị bộ binh mới mang số hiệu 15 cũng đang được xúc tiến thành lập với khoảng 15 nghìn binh sĩ để tăng cường tuần tra an ninh. Đơn vị này sẽ là một phần trong lực lượng chiến đấu mới và trực tiếp đối đầu với các phần tử nổi loạn. Đơn vị mới sẽ cùng với đơn vị bộ binh số 5 - đơn vị dã chiến - đặt dưới sự chỉ huy của quân đội vùng 4 của Thái Lan. Tuy nhiên, chưa có gì bảo đảm tình hình an ninh tại khu vực miền Nam sẽ được nhanh chóng cải thiện.

Trong một động thái mới nhất, Hội đồng An ninh quốc gia Thái Lan ngày 3-9 đã quyết định kéo dài lệnh tình trạng khẩn cấp tại 3 tỉnh cực Nam khi thời hạn sắp hết. Dù phải chờ Chính phủ thông qua trong cuộc họp nội các sắp tới, nhưng việc lực lượng an ninh được trao thêm quyền để trấn áp các nhóm nổi loạn - bằng sắc lệnh tình trạng khẩn cấp kéo dài - được kỳ vọng sẽ cải thiện được tình hình an ninh tại miền Nam Thái Lan.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nan giải ở miền Nam Thái Lan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.