Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nan giải di dời các trường đại học ra ngoại thành

Nguyên Hoàng| 18/12/2010 07:44

(HNM) - Khuôn viên chật hẹp, cơ sở chật chội, tạm bợ, ô nhiễm, kẹt xe, tệ nạn xã hội… Đó là thực trạng chung của không ít trường đại học trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đang gặp phải. Chủ trương dời các trường ĐH ra ngoại thành có từ năm 2006 nhưng đến nay vẫn bế tắc.


Trường Đại học Kinh tế, một trong những trường có số lượng sinh viên (SV) đông hàng đầu của TP Hồ Chí Minh. Hiện SV đang phải "chạy sô" nhiều cơ sở khác nhau trong suốt khóa học. Việc di chuyển liên tục trong một đô thị luôn luôn kẹt, ngập nước, ô nhiễm và học trong những cơ sở tạm bợ thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng học tập cũng như giảng dạy. Theo con số chính thức, Đại học Kinh tế TP có 6 cơ sở đóng trên 5 quận thuộc thành phố với diện tích là 1,6ha. Với quy mô hơn 50.000 SV hiện nay, nếu tính theo định mức, trường cần có một diện tích khổng lồ, để có thêm nơi vui chơi, rèn luyện thể lực... Chủ trương dời ra ngoại thành đã có từ nhiều năm trước, trường đã được TP quy hoạch 70ha đất ở phường Long Phước, quận 9 để chuyển ra đó. Tuy nhiên từ đó đến nay, mặc dù có đến 20 công văn đề xuất với cơ quan thẩm quyền, kết cục vẫn chưa biết ra sao.

Tương tự, Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh từ năm 2007 đã có biên bản thỏa thuận với UBND thành phố về việc xây dựng cơ sở mới trên khu đất 40ha cũng ở phường Long Phước. Tuy nhiên, đến nay, việc quy hoạch 1/2000 vẫn chưa được UBND quận 9 thực hiện xong.


Việc di dời các trường đại học ở TP Hồ Chí Minh ra ngoại thành còn nhiều nan giải.


Theo đánh giá hiện trạng, TP Hồ Chí Minh có tới 120 trường ĐH, CĐ, trong đó khoảng 50 trường nằm trong kế hoạch di dời. Mới đây Bộ GD - ĐT cũng đã có công văn yêu cầu với những trường ĐH, CĐ có khuôn viên chật hẹp đóng tại khu vực Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ phải di dời ra ngoại thành. Và để đẩy nhanh tiến độ, TP đã củng cố lại Ban chỉ đạo về thực hiện đề án quy hoạch sử dụng đất; khảo sát, đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ. TP đã lập quy hoạch xây dựng hệ thống trường ĐH với tổng diện tích 2.210ha bao gồm khu đô thị Tây bắc, huyện Củ Chi 600ha, khu vực phía nam gồm quận 7, huyện Nhà Bè 735ha (đã bố trí 149ha) và khu vực Đông bắc TP (quận 9, Thủ Đức) 815ha.

Đầu tháng 11 vừa qua, tại buổi làm việc giữa Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân và lãnh đạo các trường ĐH, CĐ, các phương án để thực hiện di dời đã được đưa ra. Trong đó, phương án 1 sẽ lựa chọn một đơn vị có năng lực tài chính, có kinh nghiệm trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho cả một khu quy hoạch. Phương án 2, mỗi trường sẽ được vay 300 tỷ đồng để tự xây dựng cơ sở vật chất trên khu quy hoạch. Nhiều ý kiến nghiêng về phương án 1 hơn vì với khoản tiền 300 tỷ để tự xây dựng, đối với các trường là rất khó thực hiện. Ông Lê Hoàng Quân đánh giá việc sắp xếp, di dời các trường ĐH ra khu vực ngoại thành được xem là một trong những giải pháp giải quyết tình trạng kẹt xe tại trung tâm nên đây cũng là yếu tố để TP phát triển bền vững.

Điều mà nhiều chuyên gia lo ngại chính là hạ tầng giao thông, đô thị chưa biết bao giờ mới được kết nối. Một lãnh đạo trường cho biết, nếu TP có một chính sách quy hoạch tốt, đồng bộ hệ thống giao thông, hài hòa các dịch vụ, thì dù có ở ngoại thành với hệ thống giao thông được kết nối với khu vực trung tâm, bảo đảm các dịch vụ phục vụ cho đời sống người dân như trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại… thì sống ở vùng ven vẫn tốt hơn, các thầy cô sẽ sẵn sàng ra ngoại thành sinh sống, làm việc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nan giải di dời các trường đại học ra ngoại thành

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.