Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nan giải bài toán giao thông

Phương Nam| 19/06/2010 06:09

(HNM) - Câu chuyện giao thông của TP Hồ Chí Minh đã thuộc vào dạng

Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, nguyên nhân được cho là nằm ở tầm "vĩ mô" hơn: sự quy hoạch thiếu tầm nhìn và những công trình vừa làm vừa chờ đã đẩy giao thông TP vào tình trạng cứ tránh vào chỗ này thì va vào chỗ kia, thông được chỗ này thì tắc sang chỗ khác!

Nạn kẹt xe thường xuyên diễn ra tại TP Hồ Chí Minh.


Vừa xong, đã… chật!
Chứng kiến cảnh lực lượng cảnh sát giao thông, thanh niên, dân phòng và cả người dân "vùng vẫy" giữa dòng xe cộ đông đặc trong giờ cao điểm mới thấy hết sự bất lực của điều tiết giao thông tại TP. Theo các chuyên gia, tình trạng này là do hệ thống giao thông thiếu đồng bộ, không liên kết với nhau, đã và đang phát triển một cách… mất phương hướng do quy hoạch thiếu tầm nhìn.

Bất cứ ai đi vào trung tâm TP Hồ Chí Minh cũng đều thấy rõ các công trình giao thông rất nhỏ hẹp so với lưu lượng phương tiện giao thông. Trong đó, có những con đường do lịch sử để lại nhưng cũng có không ít công trình vừa xây dựng xong đã chật. Đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, con đường "ngoại giao" dài 3,8km từ sân bay Tân Sơn Nhất về trung tâm TP vừa hoàn thành là một ví dụ. Khi khởi công xây dựng cách đây 5 năm, con đường có bề rộng 30m này được kỳ vọng sẽ giúp cho lượng người qua đây được lưu thông thông suốt. Thế nhưng, khi vừa khánh thành, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa đã nhanh chóng quá tải so với lượng xe lưu thông. Tình trạng ùn tắc vẫn xảy ra hệt như những ngày chưa mở rộng! Vậy nên, hiệu quả của 852,178 tỷ đồng mở rộng con đường (kinh phí giải phóng mặt bằng chiếm hơn 721 tỷ đồng) bỗng trở nên nhỏ bé!

Cầu Tân Thuận 2 cũng ngày càng rõ nét là một quy hoạch mang tầm nhìn… ngắn hạn! Đây là cây cầu được xây dựng khi cầu Tân Thuận quá tải. Lúc thiết kế xây dựng cầu mới, nhiều ý kiến đề xuất nên xây mở rộng thành 4 làn xe thay vì 2 làn như cầu Tân Thuận cũ vốn chỉ đủ chỗ cho xe nhỏ lưu thông. Thế nhưng mọi ý kiến đều bị phản bác với lý do xe vẫn chạy tốt ở cầu Tân Thuận 1. Hậu quả là cầu Tân Thuận 1 hiện bị phong tỏa để nâng cấp, trong khi cầu Tân Thuận 2 lại luôn trong tình trạng ùn tắc và tai nạn chực chờ do phải phân làm hai làn đường cho xe tải chạy.

Và những dự án vừa làm, vừa chờ
Tuyến liên tỉnh lộ 25B được mệnh danh là con đường đau khổ của các doanh nghiệp vận tải ra vào cảng. Chủ đầu tư thi công tuyến đường này là Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP cho biết, dù nguồn vốn đã sẵn sàng nhưng vẫn không thể thi công được vì chỉ mới nhận được 40% mặt bằng. Đây là dự án giao thông rất quan trọng, nếu tiếp tục chậm trễ sẽ ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động lưu thông hàng hóa của cảng Cát Lái, cảng hiện chiếm trên 65% thị phần xuất nhập khẩu bằng container tại TP Hồ Chí Minh và 40% thị phần cả nước. Mặt khác, con đường này cũng là tuyến kết nối, khai thác hiệu quả cầu Phú Mỹ nhằm rút ngắn lộ trình từ cụm cảng thuộc quận 7 đến ngã ba Cát Lái, nếu chậm trễ sẽ gây nhiều thiệt hại.

Còn tuyến quốc lộ 1A, đoạn vành đai đi qua trung tâm TP Hồ Chí Minh 3 năm qua vẫn bị tắc bởi một gói thầu nhỏ còn dở dang của công trình cầu vượt Gò Dưa. Hạng mục này trước đây nằm trong dự án đường xuyên Á do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đảm nhận, sau khi hết hạn vay tín dụng mà vẫn chưa triển khai nên được chuyển giao cho UBND TP và… đứng yên từ năm 2007 đến nay. Hằng ngày cứ đến giờ cao điểm buổi chiều, nút giao thông Gò Dưa lại xảy ra ùn tắc, kẹt xe nặng nề dù lực lượng cảnh sát giao thông đã vất vả điều tiết. Ông Trần Quang Phượng, GĐ Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho biết, công trình cầu vượt Gò Dưa bị chậm là do vướng 69 hộ dân phải di dời. Vừa qua, UBND TP đã có văn bản đồng ý hỗ trợ thêm cho người bị thu hồi đất gần 5 triệu đồng/m2 nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, sớm thi công đường dẫn lên cầu.

Ngoài việc phải thường xuyên hứng chịu cảnh kẹt xe và một đại công trường bụi bặm, nhếch nhác, luộm thuộm và đình trệ, những công trình từ quy hoạch thiếu tầm nhìn và những công trình chậm tiến độ đã tiêu tốn rất nhiều kinh phí. Nhiều công trình đã đội chi phí xây dựng lên rất cao như dự án Vệ sinh Nhiêu Lộc - Thị Nghè chậm 4 năm khiến chi phí từ 199 triệu USD "đội" lên gần 270 triệu USD; cây cầu nhỏ dài 103m băng qua kênh Nhiêu Lộc nối quận 1 và quận Bình Thạnh sau 10 năm đình trệ đã làm cho chi phí từ 19 tỷ đồng tăng lên 155,5 tỷ đồng…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nan giải bài toán giao thông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.