(HNM) - Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn TƯ cho biết, miền Trung sẽ tiếp tục phải chịu cái nắng nóng gay gắt đến hết tháng 7. Dự báo này đồng nghĩa với việc hàng trăm nghìn hécta lúa vụ hè thu có nguy cơ mất trắng. Nông dân miền Trung đang nằm trên chảo lửa mùa hè với nỗi lo nghèo đói đang cận kề.
Tại nhiều tỉnh miền Trung, người dân không thể xuống giống vụ hè thu do thiếu nước. |
Có thể thiệt hại 6.000 tỷ đồng
Nông dân miền Trung đang gồng mình trong cơn đại hạn, hầu hết các tỉnh không có nước để sản xuất và sinh hoạt. Ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh chịu thiệt hại nặng nhất với khoảng 62.000ha lúa hè thu bị hạn hán, nguy cơ mất trắng hơn 40.000ha, trong đó Nghệ An có 23.000ha, Thanh Hóa là trên 20.000ha. Đặc biệt, có đến 70.000ha lúa hè thu không thể gieo cấy do không có nước. Trong khi đó, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn TƯ cho biết, nắng nóng chưa có dấu hiệu chấm dứt, nhiều khả năng miền Trung sẽ tiếp tục gánh chịu cơn đại hạn gay gắt đến hết tháng 7.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng cho biết, với trên 100.000ha lúa đã cấy đang bị hạn, nếu không có biện pháp ứng cứu kịp thời sẽ bị mất trắng, ước tính thiệt hại khoảng 2.500 tỷ đồng. Cùng với gần 100.000ha chưa thể gieo cấy do thiếu nước, dự kiến con số thiệt hại sẽ lên tới 6.000 tỷ đồng. Hạn hán không chỉ gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp mà còn khiến hàng nghìn hộ gia đình không có nước sinh hoạt. Theo báo cáo của các tỉnh khu vực Duyên hải Nam Trung bộ, hiện nay có trên 40.000 hộ gia đình với hơn 100.000 nhân khẩu đang rất khó khăn về nước sinh hoạt.
Giải cơn khát nước
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn TƯ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết tại các tỉnh miền Trung, sớm đưa ra dự báo để phục vụ công tác chống hạn, giảm đến mức thấp nhất những thiệt hại gây ra. Bộ NN&PTNT cũng đã đề nghị các địa phương tập trung điện cho sản xuất nông nghiệp, tổ chức bơm nước vào những diện tích có thể để tiếp tục gieo cấy. Còn đối với những diện tích lúa đã chết, không thể cấy lại được, phải chuyển sang cây hoa màu khác. Thứ trưởng Bùi Bá Bổng nhấn mạnh, các địa phương nên chủ động ứng kinh phí để cứu hạn, sau đó có thể báo cáo với Thủ tướng để có phương án hỗ trợ. Nếu chờ đợi kinh phí theo quy định thiệt hại sẽ lớn hơn.
Cục Trồng trọt đề nghị Chính phủ xuất giống cây trồng dự phòng ngắn ngày từ nguồn của địa phương và dự trữ quốc gia hỗ trợ nông dân. Theo Cục trưởng Nguyễn Trí Ngọc, hiện các loại giống lúa, ngô, rau trong nguồn dự phòng của quốc gia và doanh nghiệp vẫn đáp ứng đủ cho các địa phương. Cục cũng yêu cầu các địa phương lùi thời vụ hoặc chuyển đổi diện tích vụ hè thu sang gieo cấy vụ mùa bằng các giống mới ngắn ngày. Cục Trồng trọt khuyến cáo bà con, lịch gieo cấy vụ mùa có thể kéo dài tới giữa tháng 7, gặt muộn nhất tới giữa tháng 10 nên diện tích nào khắc phục được nước gieo cấy thì cố gắng giữ đất cấy lúa. Có thể chọn các giống lúa ngắn ngày như Iri 352, KDBD, KD18, HT1… để gieo mạ cấy mới thay các giống dài ngày ban đầu.
Tuy nhiên, ông Trần Hữu Lực, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An cho rằng, tới thời điểm này, việc chuyển đổi diện tích lúa bị hạn hán sang các loại cây trồng như lạc, vừng, đậu… là rất khó khăn bởi đến tháng 8, tháng 9 có mưa to thì các loại cây màu này ngập úng lại sẽ mất trắng.
Cơn đại hạn lớn nhất trong vòng nửa thế kỷ đang đẩy nông dân miền Trung vào cảnh khát nước, mất mùa bởi đồng ruộng nhiều nơi khô nứt nẻ. Và bài toán giải cơn "khát nước" này đang chỉ ở mức xử lý, khắc phục tạm thời. Về lâu dài, Chính phủ, Bộ NN&PTNT cùng các bộ, ngành liên quan cần chỉ đạo, đầu tư nạo vét kênh mương, khôi phục, tạo mới các hồ, đập chứa nước... để ứng phó với hạn hán.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.