(HNM) - Trước sự hoạt động lộn xộn của xích lô du lịch trong thời gian qua, công an thành phố phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đang tiến hành kiểm tra, kiểm soát, xử lý những phương tiện vi phạm. Xung quanh vấn đề này, Báo Hànộimới nhận được nhiều ý kiến đóng góp của bạn đọc...
Bà Nguyễn Thị Thu (phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm): Cần mạnh tay với
xích lô “dù”
Xích lô xuất hiện ở Hà Nội bao năm nay, là một nét văn hóa gần gũi. Hiện tại, xích lô vẫn còn hữu ích nhất định với người Hà Nội. Không ít gia đình thuê 5-7 chiếc xích lô lọng vàng, lọng đỏ đi ăn hỏi cho con. Những đoàn khách du lịch vẫn thường chọn xích lô khi tham quan phố phường. Tình trạng lộn xộn, chủ yếu là do xích lô "dù" hoạt động không đúng quy định. Thực tế thì chỉ có 264 xe được cấp phép, nhưng số xe "dù" hơn gấp vài lần, xe không đi đúng tuyến quy định, chạy thành hàng dài mấy chục chiếc, tung hoành khắp phố phường, lộn xộn là phải. Để quản lý hoạt động xích lô trên địa bàn Hà Nội, tôi cho rằng cơ quan chức năng cần mạnh tay xử lý xe "dù", tịch thu các phương tiện không được cấp phép nhưng vẫn hoạt động.
Bà Nguyễn Thanh Hải (Viện Khoa học xã hội Việt Nam): Quy trách nhiệm cho các doanh nghiệp...
Để quản lý hoạt động của xích lô, tôi cho rằng cơ quan chức năng cần "nắm tóc" doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ xích lô và công ty tổ chức các tour du lịch. Được biết, có 4 doanh nghiệp được cấp phép tổ chức hoạt động xích lô du lịch với 264 đầu xe. Theo Quyết định 100/2007/QĐ của UBND thành phố Hà Nội quy định về hoạt động xích lô du lịch trên địa bàn Hà Nội, thì chỉ doanh nghiệp được cấp phép mới được tổ chức kinh doanh xe xích lô, xe có giấy phép mới được hoạt động và phải gắn biển kiểm soát; chủ phương tiện phải được Sở VH,TT&DL tập huấn tay nghề, cấp chứng chỉ và chỉ có chủ phương tiện mới được sử dụng xe để hành nghề… Thành phố cũng quy định rõ các tuyến phố xích lô du lịch được phép hoạt động, các điểm dừng, đón khách… Về phía doanh nghiệp kinh doanh du lịch, khi ký hợp đồng dịch vụ xích lô với khách cũng phải nêu rõ quy định trong việc chuyên chở, giờ giấc, tránh khung giờ cao điểm, không gây cản trở giao thông.
Ông Nguyễn Văn Hòa (phường Kim Liên, quận Đống Đa): Xử lý nghiêm hình thức “bán cái”
Qua các phương tiện truyền thông đại chúng, tôi được biết, lực lượng chức năng đã phát hiện không ít trường hợp xích lô "dù" được các doanh nghiệp bố trí đi lẫn trong đoàn xe của họ, nhiều bác tài "bán cái" cho người khác. Không thể vì lý do "hợp đồng với công ty du lịch như vậy nên buộc phải bố trí đủ xe", hay bất chấp quy định không hoạt động trong giờ cao điểm mà vẫn chạy để phục vụ khách theo yêu cầu, bởi họ biết rằng lực lượng chức năng "ngại" chặn xe vi phạm khi đang chở khách nước ngoài. Hành động ấy vừa gây cản trở giao thông, vừa làm mất đi tính nghiêm minh của pháp luật. Tôi cho rằng, cần xử lý nghiêm xe, doanh nghiệp vi phạm. Người nào "bán cái" sẽ bị tước giấy phép hành nghề và cũng cần cấm xe quá cũ lưu hành. Doanh nghiệp có nhiều xe vi phạm, thì nên rút giấy phép kinh doanh.
Ông Nguyễn Như Thanh (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy): Tăng mức phạt đối với xích lô vi phạm
Việc chấn chỉnh hoạt động xích lô du lịch là cần thiết và cần được thực hiện nghiêm túc, triệt để. Thực tế cho thấy, cứ hễ ra quân kiểm tra, làm mạnh thì đâu vào đấy, khi tình hình lắng dịu thì tình trạng vi phạm lại xuất hiện trở lại. Cơ quan quản lý cần duy trì kiểm tra, quản lý một cách thường xuyên hơn, không chỉ dừng lại ở các đợt ra quân, Mức xử phạt phải đủ sức răn đe, có vậy mới hạn chế được sự tái phạm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.