Ngày 9/7/2011, Cộng hòa Nam Sudan chính thức trở thành quốc gia độc lập sau cuộc xung đột kéo dài hơn 50 năm giữa lực lượng nổi dậy ở miền Nam và các chính phủ Sudan qua các thời kỳ làm cho khu vực bị tàn phá, hàng triệu người thiệt mạng.
Ngày 9/7/2011, Cộng hòa Nam Sudan chính thức trở thành quốc gia độc lập sau cuộc xung đột kéo dài hơn 50 năm giữa lực lượng nổi dậy ở miền Nam và các chính phủ Sudan qua các thời kỳ làm cho khu vực bị tàn phá, hàng triệu người thiệt mạng.
Chính phủ Sudan ngày 8/7 đã chính thức tuyên bố công nhận Nam Sudan là một quốc gia độc lập và có chủ quyền kể từ ngày 9/7/2011, dựa trên đường biên giới ngày 1/1/1956.
Kỷ niệm ngày độc lập, từ sáng sớm 9/7, người dân ở Juba, thủ đô tương lai của Nam Sudan đã nhảy múa, đánh trống và hát quốc ca của quốc gia độc lập trẻ nhất thế giới này.
Lễ tuyên bố độc lập được tổ chức tại khu lăng mộ của thủ lĩnh Phong trào giải phóng nhân dân Sudan John Garang, với sự tham dự của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, Tổng thống Sudan Omar Al-Bashir, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma, cùng đại diện của Liên đoàn Arập, Liên minh châu Phi và Liên minh châu Âu...
Tại lễ kỷ niệm, ông Salva Kiir dự kiến tuyên thệ nhậm chức tổng thống đầu tiên của Nam Sudan và ký bản Hiến pháp thời kỳ quá độ.
Ngay sau khi đến Juba ngày 8/7, Tổng thư ký Liên hợp quốc cho rằng Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế sẽ tiếp tục ủng hộ Nam Sudan, và tin rằng nước này sẽ sớm trở thành thành viên thứ 193 của Liên hợp quốc.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 8/7 đã nhất trí thông qua nghị quyết thành lập một phái bộ gìn giữ hòa bình mới tại Nam Sudan gồm 7.000 nhân viên quân sự, 900 cảnh sát và nhân viên dân sự, với thời hạn ban đầu một năm, nhằm hỗ trợ quốc gia non trẻ này giữ gìn ổn định an ninh trật tự.
Tuy nhiên, Liên hợp quốc cũng cảnh báo nguy cơ không ổn định của nước cộng hòa non trẻ, nghèo đói, bị chiến tranh tàn phá nhưng giàu dầu lửa này có thể gây bất ổn định toàn khu vực. Theo đánh giá của Liên hợp quốc, cộng đồng thế giới cần 2-3 năm để ổn định Cộng hòa Nam Sudan sau nhiều thập kỷ nội chiến, xung đột bộ lạc và nghèo đói.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), Robert B. Zoellick đã cam kết WB là đối tác mạnh để giúp Nam Sudan sau ngày độc lập sẽ là thập kỷ phát triển.
Các ưu tiên của WB là hỗ trợ Nam Sudan xây dựng nền tảng của một quốc gia mới, phát triển toàn diện và bền vững, quản lý tốt đất nước, tạo việc làm và nâng cao cuộc sống của con người, xây dựng thể chế tốt để cung cấp cho người dân các dịch vụ cơ bản.
Trong khi đó, Nhóm chống khủng hoảng quốc tế (ICG) lưu ý rằng mặc dù Nam Sudan nhận được sự ủng hộ của Liên hợp quốc và nhiều nước trên thế giới, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn rất thận trọng thúc đẩy đầu tư vào nước này và có nguy cơ các nguồn viện trợ không được điều phối thích hợp.
Trong khi đó, miền Bắc và Nam Sudan vẫn chưa giải quyết được các tranh chấp và xung đột ở các khu vực biên giới dễ bùng nổ như Abyei, Nam Kordofan, đặc biệt ở khu vực Darfur.
Cuộc nội chiến ở Sudan từ năm 1983 tới nay đã cướp đi sinh mạng của gần 2 triệu người. Riêng trong sáu tháng đầu năm nay, các cuộc xung đột ở miền Nam Sudan đã làm 2.346 người thiệt mạng./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.