(HNM) - Loạt bài
LTS: Năm học 2016-2017 là năm học thứ tư Ngành Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) triển khai Nghị quyết 29-NQ/TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Đây là thời điểm Ngành GD-ĐT có nhiều thuận lợi để phát triển, nhưng cũng đối mặt với không ít thách thức. Mỗi cấp học có những bài toán riêng, đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực, quyết tâm hơn nữa để góp phần thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020). Loạt bài "Năm học mới, nỗi lo cũ" phác thảo những nét cơ bản về các vấn đề mà từng cấp học phải đối mặt trong năm học mới sẽ bắt đầu trong ít ngày nữa.
Bài 1: Thách thức với cả thầy và trò
Chính thức triển khai từ năm học 2014-2015, đến nay việc đánh giá học sinh tiểu học bằng nhận xét thay cho điểm số theo tinh thần của Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đã áp dụng được 2 năm học. Dự kiến, trong năm học mới 2016-2017, một số nội dung của thông tư này sẽ được điều chỉnh nhằm giảm áp lực, tăng tính khả thi, thuận lợi cho những người thực thi...
Nhiều lớp học tại khu vực nội thành Hà Nội có số học sinh đông khiến cho việc nhận xét chi tiết từng em không hề đơn giản. Ảnh: Bá Hoạt |
Thầy tăng việc, trò giãn học
Triển khai Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT, trong 2 năm qua, các trường tiểu học trên cả nước đã thực hiện việc đánh giá học sinh (HS) từ cách thức truyền thống là cho điểm số với các môn học, sang việc đánh giá, xếp loại HS bằng nhận xét. Việc cho điểm chỉ thực hiện ở bài kiểm tra cuối học kỳ với môn tiếng Việt và toán. Mục đích của việc điều chỉnh nhằm giảm áp lực điểm số cho HS ở lứa tuổi còn nhỏ, coi trọng động viên, khuyến khích tính tích cực và vượt khó của HS trong học tập, rèn luyện; đồng thời cũng giảm tải cho thầy giáo, cô giáo và phụ huynh trong quá trình giáo dục HS.
Thông tư quy định mỗi HS cần được đánh giá, nhận xét theo 3 nội dung, gồm quá trình học tập từng môn học và tham gia các hoạt động giáo dục; mức độ hình thành, phát triển năng lực; phát triển phẩm chất. Thực tế trong 2 năm học triển khai thông tư này cho thấy, một số mục tiêu chưa được như mong muốn. Vấn đề được đề cập nhiều nhất tại các hội nghị, hội thảo bàn về việc đánh giá HS tiểu học là khối lượng công việc của giáo viên (GV) tăng hơn so với trước khi áp dụng thông tư. Theo phản ánh của nhiều GV tiểu học, không chỉ mất nhiều thời gian hơn trong cả học kỳ, việc đánh giá bằng nhận xét HS, khiến GV rất vất vả vào thời điểm cuối học kỳ I, cuối năm học. Với những trường khu vực nội thành, sĩ số phổ biến ở mức trên dưới 50 HS/lớp, quá trình nhận xét chi tiết từng HS theo từng mặt (3 năng lực, 4 phẩm chất) tốn không ít thời gian, công sức. Nếu muốn nhanh, bớt vất vả thì mức độ nhận xét của GV chỉ chung chung, thậm chí có tình trạng cả nhóm HS có nhận xét giống nhau.
Yêu cầu trong quá trình đánh giá HS phải có sự tham gia của phụ huynh cũng vấp phải sự phản ứng cả từ phía GV, phụ huynh HS. Chị Nguyễn Thị Mai, phụ huynh HS Trường Tiểu học Thạch Bàn A cho rằng, đây là việc không cần thiết, không hiệu quả, bởi tâm lý chung của phụ huynh là động viên cho các con vui, nếu được đề nghị tham gia thì cũng chỉ làm cho có, ít có tính thực chất. Vào năm 2015, một trang mạng đã thực hiện cuộc khảo sát nhỏ thu hút gần 22 nghìn thành viên quan tâm cho thấy, có tới 92% phụ huynh không tham gia hoặc không biết gì để tham gia vào quá trình đánh giá HS; 86% phụ huynh hầu như không đọc nhận xét và những yêu cầu của giáo viên… Việc không cho điểm số khiến các phụ huynh khó định lượng kết quả học tập của con, tác động không nhỏ tới ý chí, nỗ lực, thiếu đi sự cạnh tranh trong học tập.
Đây là những tồn tại cơ bản trong quá trình triển khai thông tư được “điểm mặt, chỉ tên” trong báo cáo tổng kết năm học 2015-2016, đặt ra yêu cầu bức thiết, cần được khắc phục ngay trong năm học mới này.
Lượng hóa các tiêu chí
Trong 2 năm qua, Bộ GD-ĐT đã tổ chức nhiều đoàn công tác tới các địa phương, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho cơ sở. Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, kết quả đánh giá HS cuối năm ở các địa phương ổn định, với 100% HS tiểu học đạt yêu cầu về mức độ hoàn thành và phát triển phẩm chất; tỷ lệ này ở tiêu chí năng lực đạt 99,9%. Với hai môn còn duy trì việc cho điểm số nhưng chỉ ở bài kiểm tra cuối học kỳ, thì có 98,8% số HS có điểm từ 5 trở lên ở môn tiếng Việt; ở môn toán là 99,12%.
Hà Nội là địa phương có nhiều sáng kiến trong quá trình triển khai như cho phép GV chủ động trong vận dụng cách đánh giá, nhận xét bằng lời nói đối với HS khi trả lời câu hỏi trên lớp…, nhưng không phải đã hết băn khoăn. Theo ông Nguyễn Trí Dũng, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT Hà Nội), để tránh việc ghi nhận xét chung chung, đại khái hoặc tình trạng nhận xét HS nào cũng giống HS nào, yêu cầu đối với GV là phải rõ 3 nội dung: Mức độ kết quả đạt được của HS, sự động viên, khuyến khích, sự định hướng, hỗ trợ của GV. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mức độ hài lòng của GV đối với việc này không giống nhau ở các nhà trường, mà nguyên nhân là do các tiêu chí đánh giá về 3 năng lực, 4 phẩm chất theo quy định tại thông tư còn quá chung chung, mang tính định lượng, đại loại: “Có tiến bộ”, “có cố gắng”…, thiếu sự rành mạch giữa các mức độ đạt được của từng HS để có sự hỗ trợ phù hợp và hiệu quả.
Tin vui ngay trước thềm năm học mới là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ về việc sẽ điều chỉnh cách thức đánh giá HS tiểu học với kỳ vọng khắc phục dứt điểm kiểu đánh giá chung chung như đã nêu trên. Theo đó, thông tư sẽ được sửa đổi với những tiêu chí về kiến thức, phẩm chất, năng lực được lượng hóa, chứ không thể đánh giá “có tiến bộ” mà người đọc không rõ HS đó có tiến bộ cụ thể ra sao; so với ngày hôm qua có gì hơn, hơn ở chỗ nào, còn cần cố gắng điều gì…
Một điều chỉnh quan trọng khác tại thông tư dự kiến được đưa ra bàn thảo, lấy ý kiến đóng góp của thầy, cô giáo và các chuyên gia là thay sổ theo dõi chất lượng bằng bản tổng hợp cuối kỳ, nhằm giảm tải cho GV. Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Phạm Ngọc Định cho rằng, một trong những tồn tại của nhiều GV tiểu học là quá coi trọng việc ghi nhận xét vào sổ này, dẫn đến tình trạng thiếu thời gian, sự đầu tư cho việc nghiên cứu, chuẩn bị bài dạy. Theo quy định hiện hành, GV phải ghi nhận xét thường xuyên theo định kỳ hằng tuần, hằng tháng vào sổ theo dõi chất lượng, nếu điều chỉnh, GV sẽ được quyền chủ động trong đánh giá và chỉ cần ghi vào bản tổng hợp cuối kỳ.
Còn rất nhiều việc cần phải giải quyết để sớm khắc phục những hạn chế, tồn tại trong quá trình thực thi. Song muốn đánh giá được hiệu quả thực chất, vẫn cần sự kiểm chứng trong một lộ trình dài.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.