Theo dõi Báo Hànộimới trên

Năm học mới, nỗi lo cũ

Chí Kiên| 22/08/2012 06:40

(HNM) - Bước vào năm học mới 2012-2013, ngành giáo dục TP vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn như thiếu trường lớp, giáo viên, đặc biệt ở bậc tiểu học và mầm non do số lượng học sinh liên tục tăng cao.


Học sinh Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, quận 9 trong giờ học ngoại khóa.

Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) TP cho biết, năm học 2012-2013, TP đã đầu tư 1.485 tỷ đồng để nâng cấp, xây dựng 1.193 phòng học mới, nâng tổng số phòng học hiện có trên địa bàn TP lên 36.184 phòng, phục vụ học tập cho gần 1,5 triệu học sinh (tăng khoảng 67.000 học sinh so với năm học trước); tuyển dụng 3.300 giáo viên các cấp để bổ sung cho các trường; đầu tư thêm 968 phòng chức năng như giáo dục thể chất, giáo dục nghệ thuật, y tế, tin học, ngoại ngữ… Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Hồng Sơn, số học sinh tiếp tục tăng cao, vì vậy tình trạng quá tải vẫn xảy ra. Ở nhiều khu vực, sĩ số học sinh cấp tiểu học trung bình phải từ 45 đến 48 học sinh/lớp; cá biệt ở các quận 12, Bình Tân, Thủ Đức và huyện Bình Chánh lên đến 50-55 học sinh/lớp. Theo một kết quả khảo sát mới đây, TP vẫn thiếu hơn 400 giáo viên, đặc biệt thiếu ở bậc mầm non; có đến 2/3 số công trình trường học tại nhiều quận, huyện được ghi vốn, đã hoàn tất hồ sơ từ lâu nhưng đến nay chưa được giao vốn…

Một vấn đề khác là khoản thu đầu năm học, ông Lê Hồng Sơn khẳng định, năm học mới 2012-2013, TP vẫn giữ nguyên mức học phí cũ (được áp dụng từ năm 1998). Tuy nhiên, vấn đề các bậc phụ huynh lo ngại nhất là các khoản phụ phí cao gấp nhiều lần so với học phí. Thống kê của Sở GD-ĐT cho thấy, năm học 2011-2012, nguồn tài chính thu từ học phí đạt hơn 367,6 tỷ đồng thì các khoản thu xã hội hóa hơn 923 tỷ đồng; năm học 2010-2011 là hơn 343 tỷ đồng từ học phí và 862 tỷ đồng từ xã hội hóa… Xung quanh vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận cho biết, TP chỉ đạo không được thu những khoản thu ngoài quy định, trái với quy định. Các trường được phép thỏa thuận với phụ huynh về một số khoản thu dựa trên nguyên tắc công khai và thu đủ bù chi, bao gồm các khoản tổ chức phục vụ bán trú, phí vệ sinh, cơ sở vật chất bán trú, nước uống và tiền ăn. Các khoản thu này phải được UBND quận, huyện thẩm định cho phù hợp với tình hình của từng địa phương. Hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm các khoản thu; Sở GD-ĐT cần thanh tra các khoản thu đầu năm ngay sau khi khai giảng năm học mới; không để xảy ra tình trạng dạy thêm, học thêm không đúng quy định...

Để giảm bớt gánh nặng cho phụ huynh học sinh, Sở GD-ĐT cũng vừa có văn bản đề xuất UBND TP không thu tiền cơ sở vật chất ở các cấp học từ năm học 2012-2013. Bởi theo sở, mỗi năm, một ngôi trường từ mầm non đến cấp THPT (trường công lập) trung bình có từ 1.500 học sinh đến hơn 3.000 học sinh (với mức thu trung bình 45.000 đồng/học sinh/năm) thì số tiền thu cơ sở vật chất không đủ cho việc sửa chữa nhỏ. Nên, thay vì thu tiền cơ sở vật chất, hằng năm các trường dự toán mức sửa chữa tối thiểu trình Sở GD-ĐT để tổng hợp trình Sở Tài chính, bảo đảm các trường có kinh phí thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năm học mới, nỗi lo cũ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.