(HNMO) - Ban Chỉ đạo Chương trình số 04 của Thành ủy Hà Nội khóa XVII vừa ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025".
Theo đó, năm 2023, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04 của Thành ủy Hà Nội đề ra chỉ tiêu có thêm 3 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; phấn đấu hoàn thiện hồ sơ 4 huyện đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 61 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Đến năm 2025, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 100% số huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới; 20% số huyện (5 huyện) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 40% số xã (156 xã) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 20% số xã (80 xã) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Đối với tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, Hà Nội phấn đấu năm 2023 tăng trưởng sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 2,5-3%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 55%.
Đến năm 2025, tăng trưởng sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục duy trì đạt 2,5-3%, sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 70%.
Đối với nâng cao đời sống nông dân, năm 2023, Hà Nội phấn đấu thu nhập của nông dân khu vực nông thôn đạt 70 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 95%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73,5%, trong đó, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 52,5%...
Đến 2025, thu nhập của nông dân khu vực nông thôn Thủ đô đạt 80 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 95%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 75-80%; tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 55-60%...
Để triển khai thực hiện kế hoạch, Hà Nội tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt là các mô hình sản xuất nông nghiệp; mô hình xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn - văn minh; mô hình phát huy bản sắc văn hóa các vùng miền; kinh nghiệm, cách làm hay trong triển khai chương trình nông thôn mới tại cơ sở…
Hà Nội cũng sẽ xây dựng cơ chế, chính sách; đề án, kế hoạch thực hiện Chương trình 04 như: Nghị quyết về một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2026; Đề án nông nghiệp đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2026; Đề án nông thôn mới thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025...
Hà Nội cũng sẽ tập trung chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2025. Trong đó, tập trung và ưu tiên dành nguồn lực đầu tư để bảo đảm hoàn thành các tiêu chỉ xây dựng huyện nông thôn mới, huyện nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu về địch theo đúng kế hoạch...
Thành phố cũng giao UBND các huyện, thị xã phát động và xây dựng kế hoạch tổ chức các cuộc thi về bảo vệ môi trường, vệ sinh đường làng ngõ xóm, góp phần tạo môi trường nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn - văn minh; xây dựng, củng cố và phát triển thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ - thể dục - thể thao nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới, đặc biệt tuyên truyền về các mô hình tiêu biểu, cách làm hay trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn; rà soát, đăng ký ít nhất từ 3-5 mô hình điển hình về sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, mô hình bảo vệ môi trường; mô hình phát huy bản sắc văn hóa các vùng miền; xây dựng kế hoạch, nguồn lực, giải pháp để tập trung triển khai thực hiện…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.