(HNMO) - UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 159/KH-UBND ngày 1-7-2021 về nâng cao hiệu quả nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm của thành phố giai đoạn 2021-2025.
Mục đích kế hoạch hướng tới tập trung nguồn lực từ ngân sách địa phương chuyển qua Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn ủy thác cho vay, đáp ứng nhu cầu hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác, góp phần tạo việc làm, thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Theo kế hoạch, UBND thành phố xây dựng mục tiêu cụ thể từ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm của thành phố giai đoạn 2021-2025.
Về chỉ tiêu nguồn vốn, nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố năm 2021 đã được bổ sung sang Ngân hàng Chính sách thành phố là 550 tỷ đồng và sẽ bổ sung giai đoạn 2022-2025 là 2.000 tỷ đồng, bình quân mỗi năm bổ sung 500 tỷ đồng. Nguồn vốn vay giải quyết việc làm của thành phố được triển khai thực hiện theo nguyên tắc đối tượng cho vay là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn có nhu cầu vay vốn để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; hộ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hộ sản xuất kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19…
Đối với chỉ tiêu về việc làm, nguồn vốn tín dụng chính sách giải ngân qua Ngân hàng Chính sách xã hội từ nguồn ủy thác của ngân sách thành phố sẽ góp phần thu hút, tạo việc làm ổn định bình quân cho 31.000 lao động/năm, tương đương 19% chỉ tiêu giải quyết việc làm của thành phố hằng năm giai đoạn 2021-2025. Trong đó, năm 2021, thu hút, tạo việc làm ổn định cho khoảng 25.100 lao động; năm 2020 là 28.000 lao động; năm 2023 là 31.000 lao động; năm 2024 là 34.000 lao động; năm 2025 là 37.000 lao động.
Về chỉ tiêu giảm nghèo, nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững, hoàn thành mục tiêu đến cuối năm 2025 cơ bản thành phố Hà Nội không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn của thành phố giai đoạn 2021-2025.
Về chỉ tiêu chất lượng tín dụng, tỷ lệ thu nợ/nợ đến hạn tại Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố tối thiểu đạt 98%; nợ quá hạn duy trì dưới mức 0,05%.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.