(HNMO) - Dự thảo Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 20 ngày 6-12-2016 của HĐND TP Hà Nội ban hành một số quy định thu phí, lệ phí trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được 100% đại biểu HĐND thành phố tham gia biểu quyết tán thành.
Bà Hồ Vân Nga, Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách trình bày báo cáo thẩm tra về tờ trình và dự thảo Nghị quyết của UBND thành phố |
Theo đó, mức thu phí sử dụng diện tích trông giữ ô tô tăng thấp nhất là 50% và tăng cao nhất là 300% so với mức cũ, với giá trị tuyệt đối tăng tương ứng từ 20.000 đồng/m2/tháng đến 160.000 đồng/m2/tháng.
Mức thu phí sử dụng diện tích trông giữ xe đạp, xe máy tăng thấp nhất là 5.000 đồng/m2/tháng và cao nhất là 90.000 đồng/m2/tháng, tuỳ theo khu vực, tuyến phố theo nguyên tắc mức phí cao nhất thuộc 12 tuyến phố khu bảo tồn đô thị cấp 1, vùng lõi quận Hoàn Kiếm và giảm dần khi xa trung tâm.
Mức phí tăng không áp dụng với địa bàn thị xã Sơn Tây, các huyện ngoại thành và một số tuyến đường, phố các quận từ vành đai 3 trở ra.
Thẩm tra về tờ trình và dự thảo Nghị quyết, bà Hồ Vân Nga, đại diện Ban Kinh tế - Ngân sách của HĐND thành phố cho biết, dự thảo Nghị quyết đã được UBND thành phố xây dựng đúng trình tự, đăng tải công khai, lấy ý kiến các tổ chức, đơn vị, đối tượng chịu sự tác động ảnh hưởng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và đã được Sở Tư pháp thẩm định theo quy định.
Về phương thức thu nộp ngân sách, UBND thành phố trình thu theo m2 đối với diện tích sử dụng trông giữ phương tiện theo truyền thống và thu theo tỷ lệ phần trăm doanh thu đối với mục đích sử dụng ứng dụng công nghệ thông minh iParking là hợp lý.
"Thời gian áp dụng từ ngày 1-1-2018 là không trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là năm 2017 không tăng thuế, phí làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp và môi trường đầu tư kinh doanh" - bà Hồ Vân Nga nêu.
Dùng biện pháp kinh tế để giảm thiểu ùn tắc giao thông
Trước khi bấm nút thông qua Nghị quyết, đại biểu Hoàng Huy Được (huyện Ba Vì) đề nghị làm rõ thêm một số vấn đề.
“Tôi hiểu rằng, đường cho người đi xe, vỉa hè cho người đi bộ. Để vỉa hè cho người đi bộ thực sự cho người đi bộ và bố trí địa điểm đủ điều kiện để trông giữ xe, đáp ứng yêu cầu của người dân là cần thiết” - đại biểu huyện Ba Vì nêu.
Đại biểu Nguyễn Hoài Nam (quận Hoàng Mai) nêu, trong các nhóm giải pháp giảm thiểu ùn tắc giao thông có giải pháp về kinh tế. Vì vậy, khi tiếp cận Nghị quyết này, không nên đặt vấn đề Hà Nội tăng thu từ diện tích vỉa hè dùng trông giữ xe ô tô để có thêm ngân sách, mà là dùng biện pháp kinh tế để giảm ùn tắc, điều tiết giao thông.
Đại biểu Nam cũng đồng tình với đại biểu Hoàng Huy Được về việc siết quản lý để chấn chỉnh lạm thu, hay những tổ chức, cá nhân tự ý lập bãi trông giữ xe trái phép hoặc thu quá giá.
Đại biểu Nguyễn Hoài Nam (Hoàng Mai). |
Đại biểu Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh đến thực trạng giá trông giữ xe theo quy định là thấp nhưng thực tế, nhiều người dân lại phải trả mức giá rất cao khi gửi xe ở các khu vực trung tâm nội đô. “Bản thân tôi vào ngày cuối tuần gửi xe ô tô ở nội đô, trung tâm Hoàn Kiếm, phải gửi với giá từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng” - đại biểu nói.
Đại biểu Nam cho rằng, việc doanh nghiệp khai thác các điểm trông giữ xe trên địa bàn trung tâm của thành phố thu nguồn tiền lớn nhưng lại nộp cho nhà nước khoản tiền rất thấp là bất hợp lý.
“Vậy ai thụ hưởng? Xin khẳng định, chỉ những người hoạt động trông giữ xe trái phép thụ hưởng, người dân lưu hành không được thụ hưởng. Nhà nước, cụ thể là thành phố, cũng không thu được nhiều. Vì thế, thành phố dứt khoát phải quy hoạch lại điểm đỗ giao thông tĩnh; có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư giao thông tĩnh và giao thông thông minh; đồng thời dứt khoát chấn chỉnh sai phạm của những cá nhân tổ chức các bến bãi và thu trái phép", đại biểu Nam nói.
Tăng phí sử dụng diện tích trông giữ phương tiện, Hà Nội dự kiến thu 113 tỷ đồng
Đại diện cho UBND thành phố tiếp thu và làm rõ các ý kiến phát biểu, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Vũ Văn Viện khẳng định, mức phí sử dụng lòng đường, vỉa hè để trông giữ phương tiện được tăng tiệm cận với giá thực tiễn mà các điểm trông giữ hiện nay đang thu. Ví dụ, theo quy định, giá trông giữ xe đạp ở mức 2.000 đồng nhưng thường thu lên 5.000 đồng; xe máy bị thu từ 5.000 đồng-10.000 đồng trong khi quy định là 3.000 đồng; giá trông giữ ô tô bị thu lên 50.000 đồng/hai giờ, trong khi giá quy định là 30.000 đồng...
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải khẳng định, các doanh nghiệp trông giữ xe không được hưởng lợi từ phần tăng phí mà phần này sẽ được điều tiết về ngân sách nhà nước. Giám đốc Sở cũng nhấn mạnh, phần phí tăng lên không phải lấy mục tiêu thu ngân sách là chính, mà nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông, hướng người dân sử dụng phương tiện giao thông cộng cộng, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các điểm đỗ xe tập trung, giảm dần phương tiện đỗ tại hè phố.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Vũ Văn Viện. |
"Với mức thu hiện nay, tổng số tiền thu được trong năm 2017 là 38,4 tỷ đồng. Nếu mức thu mới được thông qua, số tiền thu được dự kiến sẽ đạt 113 tỷ đồng. Đây là lần tăng để tiệm cận mức giá thị trường. Thành phố sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình tăng phí trong thời gian tới để thực hiện Nghị quyết 04 của HĐND thành phố với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông" - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải nói.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố có tổng cộng 1.436 điểm trông giữ phương tiện, trong đó Sở Giao thông Vận tải cấp phép 241 điểm; các quận cấp 416 điểm. Các điểm trông giữ phương tiện tại các khu đất, trung tâm thương mại là 751 điểm. Nghị quyết HĐND thành phố thông qua chỉ quy định tăng phí đối với khu vực lòng đường, vỉa hè được cấp phép, có thu phí. Tất cả các điểm trông giữ trong toà nhà, trung tâm thương mại vẫn giữ mức phí cũ, không tăng thêm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.