Theo dõi Báo Hànộimới trên

Năm 2016, thí điểm Thị trường bán buôn điện cạnh tranh

Thanh Mai| 25/08/2015 21:53

(HNMO) - Ngày 10-8-2015, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 8266/QĐ-BCT phê duyệt thiết kế chi tiết thị trường bán buôn điện cạnh tranh.


Theo đó, sẽ thực hiện thí điểm bước 1 thị trường bán buôn điện cạnh tranh vào năm 2016. Và để thực hiện thí điểm, từ nay đến hết năm, Bộ Công Thương sẽ phải hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án tái cơ cấu ngành điện phục vụ thị trường bán buôn điện cạnh tranh; Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải hoàn thành Đề án phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ vận hành và giám sát thị trường bán buôn điện cạnh tranh trình Bộ Công Thương phê duyệt; đồng thời, xây dựng và ban hành đề cương nội dung đào tạo nâng cao năng lực cho các thành viên thị trường điện.

Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia. Ảnh Ngọc Hà TTXVN


Minh bạch, công bằng trong huy động nguồn


Thực hiện Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Lộ trình hình thành và phát triển thị trường điện lực Việt Nam, tại Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Cục Điều tiết điện lực, EVN và các đơn vị liên quan đã triển khai xây dựng và đưa Thị trường phát điện cạnh tranh (VCGM) vận hành ổn định từ tháng 7-2012 đến nay. Từ số lượng 31 nhà máy điện (tổng công suất lắp đặt là 9300MW) tham gia thị trường năm 2012, sau 3 năm đã có 59 nhà máy điện (tổng công suất 14.796MW) tham gia trực tiếp thị trường, chiếm 41,63% tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống.

Theo Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực Nguyễn Anh Tuấn, bước sang năm thứ ba, thị trường phát điện cạnh tranh đã có nhiều bước tiến bộ đáng khích lệ. Trong năm 2014 và đầu năm 2015, Cục Điều tiết Điện lực và soạn thảo và trình Bộ Công Thương ban hành các Thông tư quan trọng tạo nền tảng pháp lý cho các hoạt động giao dịch trên thị trường điện, đó là: Thông tư số 30/2014/TT-BCT qui định thị trường phát điện cạnh tranh đã giải quyết những tồn tại vướng mắc trong giao dịch của các đơn vị trên thị trường điện như công tác chào giá của các nhà máy thuỷ điện, công tác thanh toán, qui định về việc đăng ký và tham gia thị trường điện của các nhà máy điện mới; Thông tư 21/2015/TT-BCT quy định về phương pháp xác định giá dịch vụ phụ trợ. Đây là quy định quan trọng về dịch vụ phụ trợ lần đầu tiên được xây dựng và ban hành để thực hiện trong thị trường phát điện cạnh tranh và sẽ tiếp tục áp dụng trong giai đoạn thị trường bán buôn điện cạnh tranh.

Cục Điều tiết Điện lực cũng đã ban hành đầy đủ, đúng thời gian các Quyết định: Phục vụ cho công tác vận hành thị trường điện năm 2015; Danh sách nhà máy điện tham gia VCGM năm 2015; phê duyệt Kế hoạch vận hành VCGM năm 2015; Quy trình hướng dẫn thực hiện thí nghiệm đo đặc tuyến tổ máy phát điện của nhà máy nhiệt điện đốt than tham gia thị trường điện lực cạnh tranh…

Giá điện trên thị trường cơ bản phản ánh đúng qui luật cung cầu và thường ở mức cao vào cuối mùa khô. Trong mùa mưa từ tháng 7 đến tháng 9 hàng năm giá thị trường thường thấp, sản lượng thủy điện cao đặc biệt vào những thời điểm xuất hiện bão, lũ, có thể về ở mức giá sàn.

Hơn 3 năm thực hiện cho thấy, thị trường phát điện cạnh tranh đã tạo cơ hội để minh bạch, công bằng trong việc huy động các nguồn. Bên cạnh đó, các Nhà máy điện đã rút ngắn thời gian sửa chữa bảo dưỡng, cắt giảm chi phí vận hành, chủ động trong chào giá nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất của đơn vị. Hệ thống điện đã được vận hành an toàn tin cậy, đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội, không có sự cố do nguyên nhân từ việc vận hành thị trường điện.

Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực Nguyễn Anh Tuấn cũng cho biết, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ cho phép áp dụng sử dụng chữ ký điện tử trong quá trình xác nhận sự kiện, hồ sơ thanh toán, giúp các đơn vị nâng cao hiệu quả trong công tác thanh toán trên thị trường điện. Đặc biệt, sẽ sửa đổi qui định tăng cường các thông tin trên thị trường điện cho các thành viên tham gia thị trường điện và cho công chúng.
Từ năm 2014, mức dự phòng hệ thống điện cũng như tính cạnh tranh trong thị trường điện cao hơn 2 năm trước, giá thị trường phản ánh cân bằng cung cầu và theo mùa rõ rệt, giá trần thị trường điện được giữ ở mức hợp lý.
Đến lúc này có thể nhận định, dù vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc do tính chất phức tạp và rất mới của thị trường điện (TTĐ) ở nước ta, nhưng VCGM đã vận hành thành công. Số lượng nhà máy tham gia chào giá trực tiếp trên thị trường không ngừng tăng, các quy định đã được hoạch định ngày càng rõ ràng, bình đẳng với hệ thống cơ sở pháp lý được thiết kế, điều chỉnh kịp thời. Đặc biệt, các đơn vị tham gia vào thị trường đã từng bước làm chủ được thị trường, từ đó, đã tìm kiếm được cơ hội gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp mình. Tính minh bạch, hiệu quả của VCGM cũng đã được bản thân các đơn vị tham gia (kể cả trong và ngoài Tập đoàn Điện lực Việt Nam -EVN) khẳng định.

Phòng điều hành thị trường điện của Công ty Thủy điện Đa Nhim- Hàm Thuận-Đa Mi( DHD)
Ảnh Ngọc Hà TTXVN


Được phép mua điện trực tiếp từ các nhà máy điện

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về lộ trình, các điều kiện và cơ cấu ngành Điện để hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam, thay thế cho Quyết định số 26/2006/QĐ-TTg ngày 26-1-2006, thì cấp độ hai của thị trường điện được đẩy lên sớm hơn so với kế hoạch ban đầu. Cụ thể, năm 2015, 2016 sẽ triển khai thí điểm, chuẩn bị để năm 2017 đưa vào vận hành chính thức thị trường bán buôn điện cạnh tranh và hoàn chỉnh vào năm 2021. Từ năm 2022, sẽ thực hiện cấp độ ba là thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Như vậy, năm 2015, đánh dấu bước phát triển mới của thị trường điện cạnh tranh, đó là triển khai giai đoạn 2 - thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Tuy nhiên, chỉ còn 4 tháng nữa, thách thức lớn nhất hiện nay vẫn là cần có thể chế đủ mạnh nhằm bảo vệ được quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời đủ hấp dẫn để thu hút đầu vào ngành Điện. Đây quả là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn bởi đối với người tiêu dùng Việt Nam, rất khó để có thể chấp nhận việc tăng giá điện.

Bên cạnh đó, một số tồn tại hạn chế trong thị trường phát điện cạnh tranh đó là vẫn còn khoảng 50 nhà máy điện chưa tham gia chào giá, vì vậy, chưa tạo nên cân bằng cung cầu đầy đủ trên thị trường điện (giá trên thị trường điện có thời điểm chưa phản ánh hết chi phí biên của hệ thống điện). Khung pháp lý vẫn cần tiếp tục bổ sung xây dựng và sửa đổi kịp thời với thực tế. Hạ tầng công nghệ thông tin trên VCGM vẫn chậm nâng cấp so với kế hoạch.

Với các tồn tại trên, Cục trưởng Nguyễn Anh Tuấn cho biết, sẽ cùng với các đơn vị chủ động đưa ra các giải pháp trong từng vấn đề và sẽ từng bước giải quyết trong nửa cuối năm 2015 và năm 2016. Cục ĐTĐL cũng đã đề xuất các nội dung triển khai trong năm 2015 và 2016, gồm 4 nhóm vấn đề chính là: Đưa ra quy định và thực hiện tổ chức, quy định các chức năng nhiệm vụ cho các đơn vị tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh; xây dựng khung pháp lý cho thị trường bán buôn điện cạnh tranh và xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin cho tất cả các đơn vị tham gia thị.

Theo Cục Điều tiết điện lực, ngay trong giai đoạn thị trường bán buôn cạnh tranh, các khách hàng tiêu thụ điện lớn được phép mua điện trực tiếp từ các nhà máy điện thông qua các cơ chế thị trường và hợp đồng dài hạn. Phạm vi, quy mô của các khách hàng lớn này sẽ dần dần được mở rộng để tăng số lượng khách hàng được quyền mua điện trực tiếp từ các nhà máy điện. Giải pháp tiếp theo là tái cấu trúc ngành điện, kiện toàn cơ cấu tổ chức của các đơn vị tham gia thị trường để phù hợp và đủ khả năng thực hiện các chức năng mới trong thị trường bán buôn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Năm 2016, thí điểm Thị trường bán buôn điện cạnh tranh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.