(HNMO) – Năm 2016, trước mắt sẽ chỉ có 40.000 liều vắc xin dịch vụ 5 trong 1 (Pentaxim). Mặc dù Bộ Y tế vẫn tiếp tục bằng mọi cách tìm các nguồn cung cấp vắc xin dịch vụ nhưng đến nay không có nguồn nào khác cung ứng.
Trước tình trạng hỗn loạn xảy ra tại điểm tiêm chủng 182 Lương Thế Vinh, tại buổi gặp mặt báo chí, ông Trương Quốc Cường - Cục trưởng Cục Quản lý Dược Bộ Y tế chia sẻ, không biết việc 160.000 liều vắc xin Petaxim được nhập về là thông tin vui hay buôn. Vui vì trẻ có vắc xin để tiêm nhưng buồn vì lại xảy ra tình trạng như vậy.
Ông Cường cho hay, trước đây, mỗi năm Việt Nam chỉ có 1.000 hoặc 2.000 liều vắc xin dịch vụ 5 trong 1 nhưng hiện nay người dân dồn nhiều vào vắc xin này gây nên tình trạng khan hiếm. “Khi không có vắc xin để tiêm chúng ta cũng rất khó khăn nhưng có mà kiểu này thì còn khổ hơn là không có”, Cục trưởng Cục Quản lý dược buồn bã. "Kiếp sau chắc tôi sẽ không làm về ngành y nữa", ông Cường tâm sự.
Cục trưởng Cục Quản lý Dược (ảnh: Tuổi trẻ) |
Theo ông Cường thế giới hiện nay thế giới có 3 nhà sản xuất vắc xin vô bào nhưng chỉ có 2 nhà sản xuất xuất khẩu mà số lượng sản xuất lại có hạn.
Thêm một khó khăn nữa là năm trước các nhà sản xuất kiểm tra định kỳ phát hiện một số lô không đủ hiệu giá kháng thể và dừng lại mấy lô, trong khi đó để sản xuất 1 lô rất lâu, cộng với tình hình dịch bệnh trên thế giới nên các nước đều tăng, hiện nay các doanh nghiệp sản xuất họ chỉ ưu tiên cho các quốc gia dùng cho Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) còn ở Việt Nam sử dụng Quinvaxem trong TCMR nên không được ưu tiên loại vắc xin trên.
Ông Cường cũng cho biết, sau nhiều lần đàm phàn, nhà sản xuất Sanofi đã chấp nhận cung cấp cho Việt Nam nhưng chỉ khoảng 200.000 liều. Tuy nhiên, trong 200.000 liều này, 160.000 liều được cung cấp trong năm 2015, 40.000 còn lại dự kiến tháng 2/2016 mới có.
“Cục vẫn tiếp tục bằng mọi cách tìm các nguồn cung cấp vắc xin dịch vụ nhưng đến bây giờ không có nguồn nào khác cung ứng”, Cục trưởng Cục Quản lý dược cho hay.
Nhiều hy vọng được dồn vào vắc xin vắc xin 6 trong 1 (Hexaxim) có thành phần ho gà vô bào nhiều nước đã sử dụng và hiện đang đang thử nghiệm lâm sàng ở Thái Bình.
Theo tiết lộ của ông Cường, loại vắc xin này đang được thử nghiệm cho 354 trẻ từ 61 ngày tuổi, đến tháng 2/2016, các trẻ này sẽ tiêm xong 3 mũi cơ bản.
“Theo nguyên tắc sau 28 ngày sẽ kiểm tra hiệu giá Nếu hội đồng y đức chấp nhận thì có thể sử dụng vào tháng 6/2016. Cùng lắm, đến đến tháng 2/2017 sẽ tiêm mũi thứ 4 nhắc lại mới lại xem hiệu giá kháng thể và đến tháng 6/2017, nếu ổn sẽ được đưa vào sử dụng”, ông Cường cung cấp thông tin.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc có nhà nhập khẩu vắc xin cho biết nếu trả giá vắc xin cao họ sẽ có vắc xin Pentaxim trong 1 tháng tới, mua ở Malaysia và một số nước khác, Cục trưởng Cục Quản lý Dược khẳng định thông tin đó là không chính xác vì Cục đã tìm hiểu rất kỹ các thị trường. Các nước đó không có nhà sản xuất vắc xin Pentaxim. Nếu có, các bà mẹ cũng không nên tiêm cho con loại vắc xin như vậy vì đã là không chính thức thì rất nguy hiểm đến tính mạng, do vắc xin bảo quản không đảm bảo về nhiệt độ, vận chuyển.
“Liên quan đến giá, Cục đã nói với các nhà nhập khẩu vắc xin nếu đang lỗ Bộ sẵn sàng xem xét cho điều chỉnh theo tỷ giá, nhưng nguồn cung thế giới rất hạn chế”, ông nói.
Về việc Việt Nam thiếu vắc xin dịch vụ 5 trong 1 nhưng bên Singapore vẫn có khi người Việt cho con sang đó tiêm, ông Cường giải thích, Singapore sử dụng vắc xin 5 trong 1 trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Trong khi đó, Việt Nam sử dụng vắc xin Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng, mà vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng luôn được bảo đảm đáp ứng đủ. Vì thế, người dân không thể so sánh với Singapore.
Nói về việc phân bổ vắc xin Pentaxin giữa miền Nam và miền Bắc chênh lệch nhau, miền Bắc quá ít trong khi miền Nam nhiều, Cục trưởng Cục Quản lý dược cho hay, do hợp đồng nhà sản xuất và công ty nhập khẩu. Ở miền Bắc không thực hiện đấu thầu và phân bổ chủ yếu về Trung tâm y tế, còn ở Nam thực hiện đấu thầu, và cung cấp vắc xin cho cả bệnh viện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.