Theo dõi Báo Hànộimới trên

Năm 2015, Quốc hội sẽ giám sát việc bồi thường oan sai

Hà Phong| 10/06/2014 04:57

(HNM) - Ngày 9-6, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Căn cước công dân và dự án Luật Hộ tịch. Đây là hai luật mới, được Bộ Tư pháp, Bộ Công an kỳ vọng sẽ góp phần cải cách hành chính trong quản lý dân cư.

Đáng lưu ý, Bộ Công an đề xuất làm thẻ căn cước công dân và coi đây là giấy tờ tùy thân có giá trị chứng nhận căn cước của công dân Việt Nam, thay thế chứng minh thư nhân dân (CMND) hiện đang sử dụng.

Thảo luận tại Đoàn Hà Nội, đại biểu (ĐB) Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, chủ trương làm căn cước công dân thay cho CMND về lâu dài là đúng và cần thiết. Nhưng Ban soạn thảo dự án Luật Căn cước công dân (Bộ Công an) cần tính toán kỹ lưỡng lộ trình thực hiện, cách chống làm giả thẻ căn cước công dân và đánh giá hết những tác động của việc cấp thẻ căn cước công dân thay thế cho CMND. Khi chưa nghiên cứu hết những vấn đề trên thì chưa làm vội. Còn ĐB Nguyễn Đức Chung, Giám đốc CATP Hà Nội nêu ý kiến, Hà Nội đang thực hiện việc cấp CMND 12 số. Khi Luật Căn cước công dân có hiệu lực (tháng 7-2015 - PV) thì sẽ tồn tại 3 loại giấy tờ: CMND 9 số, CMND 12 số và thẻ căn cước công dân. Đến năm 2020-2022, toàn bộ người dân trên cả nước mới có thể sử dụng thẻ căn cước. Như vậy, có bất cập, chồng chéo hay không là việc cần làm rõ.

Buổi chiều, QH làm việc tại hội trường, nghe tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự và báo cáo thẩm tra; biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012, Nghị quyết về cân đối ngân sách TƯ và ngân sách địa phương năm 2013 với số phiếu tán thành cao. Theo Nghị quyết về cân đối ngân sách TƯ và ngân sách địa phương năm 2013, sẽ chi 16.000 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ và trang thiết bị cho lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư. Ngoài ra, Nghị quyết cũng quyết định chi một số khoản thực sự cấp bách để thực hiện chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người có công, cải thiện nhà ở, cấp bù chênh lệch lãi suất cho hai ngân hàng chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào các dân tộc…

Tiếp đó, các ĐBQH thảo luận về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2015. Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trên cơ sở tổng hợp kiến nghị của các ĐBQH, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị QH năm 2015 giám sát tình hình oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự và việc bồi thường oan sai; sự gia nhập của kinh tế Việt Nam từ khi gia nhập WTO; tình hình chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai ở các nông lâm trường...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Năm 2015, Quốc hội sẽ giám sát việc bồi thường oan sai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.