(HNMO) - Với mức điều chỉnh tăng 2-4% và biên độ dao động 1% được giữ đến cuối năm 2014, tỷ giá USD/VND sẽ khoảng 21.400-22.000, hướng đến hỗ trợ xuất khẩu và cải thiện cán cân thương mại, cán cân tổng thể.
Đây là dự báo vừa được Trung tâm nghiên cứu Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đưa ra tại báo cáo Dự báo tình hình kinh tế vĩ mô năm 2014.
Ảnh minh họa |
Dự trữ ngoại hối dự kiến đạt hơn 30 tỷ USD
Nói về dự báo điều hành chính sách tiền tệ năm 2014, BIDV cho biết, để đạt mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 Quốc hội đặt ra, dự báo năm 2014, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ điều hành chính sách tiền tệ theo định hướng linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để đạt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và tăng trưởng hợp lý.
Theo đó, về tỷ giá, NHNN nên xem xét xây dựng các kịch bản điều hành tỷ giá và biên độ giảm giá đồng Việt Nam phù hợp với diễn biến của cán cân thương mại, tác động có thể gặp phải của việc kết thúc gói kích thích kinh tế kinh tế của Chính phủ Mỹ trong mối tương quan với lãi suất thị trường thế giới và tỷ lệ lạm phát kỳ vọng.
Vì thế, BIDV dự báo triển vọng ổn định của tỷ giá trong biên độ cho phép của NHNN với khả năng tăng trưởng nguồn cung ngoại tệ từ FDI, ODA, kiều hối trong khi sức cầu nội địa và hoạt động nhập khẩu sẽ không thay đổi nhiều trong thời gian còn lại của năm.
“Cùng với đó, nền tảng vĩ mô ổn định, dự trữ ngoại hối quốc gia vững mạnh (dự kiến đạt hơn 30 tỷ USD, đảm bảo 12,5 tuần nhập khẩu cuối năm 2013 và khoảng 14 tuần nhập khẩu năm 2014) sẽ là những cơ sở quan trọng cho sự ổn định vững chắc của tỷ giá”- BIDV nhấn mạnh.
Theo dự báo của BIDV, có thể NHNN sẽ điều chỉnh tăng 2-4% và biên độ dao động 1% được giữ đến cuối năm 2014, tỷ giá USD/VND sẽ khoảng 21.400-22.000, hướng đến hỗ trợ xuất khẩu và cải thiện cán cân thương mại, cán cân tổng thể. Cùng với đó là “sự linh hoạt hơn nữa của chính sách tỷ giá, giảm dần can thiệp hành chính, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sẽ giúp bình ổn tâm lý của các chủ thể tham gia thị trường ngoại hối”.
Cần đưa ra lộ trình thả nổi lãi suất
BIDV cũng cho rằng, để đẩy mạnh triển khai tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng, NHNN tiếp tục triển khai mạnh nội dung theo lộ trình trong đề án tái cấu trúc, trong đó cần đẩy mạnh mua bán xử lý nợ xấu thông qua hoạt động của công ty VAMC; đưa vào triển khai một số văn bản về quản trị rủi ro và đảm bảo an toàn trong hoạt động như Thông tư 02 về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro; tăng cường năng lực tài chính (năng lực về vốn) của các tổ chức tín dụng. Cần nhớ rằng, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế (IMF, WB), triển vọng ổn định và tăng trưởng kinh tế thời gian tới phụ thuộc vào kết quả tái cơ cấu nền kinh tế mà trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng.
Về lãi suất, theo BIDV, NHNN cần duy trì mặt bằng lãi suất thấp (tương đương mức cuối 2013) để đảm bảo đồng thời ổn định vĩ mô và hỗ trợ doanh nghiệp. Do vậy, nên tiếp tục phát huy hoạt động của thị trường mở hỗ trợ thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng, kết hợp công tác thanh tra giám sát để đảm bảo tính lành mạnh trong hoạt động huy động vốn. Khi thanh khoản toàn ngành và lạm phát đã đi vào ổn định, chỉ số giá tiêu dùng giảm về mức dưới hoặc là 7% thì cần đưa ra lộ trình cụ thể nhằm tự do hóa lãi suất, đảm bảo lãi suất cho vay và huy động được xác định trên cơ sở cung cầu vốn của thị trường.
Cùng với quá trình tự do hóa lãi suất, các công cụ lãi suất chính sách cũng cần từng bước được đổi mới, dần phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo hình thành được các mức lãi suất chỉ đạo theo tín hiệu thị trường, nâng cao tính hiệu quả của cơ chế chuyển tải chính sách tiền tệ thông qua kênh lãi suất. “Theo đó, cần thiết lập đường cong lãi suất chuẩn của thị trường đối với tất cả các dải kỳ hạn để các ngân hàng thương mại có cơ sở xác định lãi suất phù hợp”- BIDV kiến nghị.
Đối với chính sách tín dụng, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng là mục tiêu trung gian của chính sách tiền tệ, do vậy để giữ vững kết quả ổn định vĩ mô năm vừa qua và hỗ trợ tăng trưởng năm sắp tới, NHNN xem xét xác định tỷ lệ tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế căn cứ kết quả thực hiện năm 2013 (đến 25/11/2013, tín dụng tăng trưởng 7,54%). Tuy nhiên, “mục tiêu tăng trưởng tín dụng được đưa ra đồng thời đảm bảo chất lượng, an toàn, tránh hệ quả đặt mục tiêu tăng trưởng cao (ảnh hưởng lạm phát) và tiềm ẩn phát sinh nợ xấu mới”-BIDV khuyến nghị.
Theo Ngân hàng này, mức tăng trưởng có thể từ 13-15%. Bên cạnh đó, việc giao tỷ lệ tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng nên tiếp tục được duy trì.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.