Thông tin được Bộ GD-ĐT cho hay tại hội nghị kế hoạch ngân sách năm 2013 các trường, đơn vị trực thuộc, tổ chức sáng 27/12. Bộ sẽ dừng mở trường và ngành mới về Tài chính-ngân hàng, Kế toán, Quản trị kinh doanh và xem xét việc thành lập, sáp nhập hoặc chia tách các ĐH.
Xem xét sáp nhập, chia tách các ĐH
Báo cáo của Bộ GD-ĐT về công tác quy hoạch mạng lưới đào tạo năm 2013 nhấn mạnh sẽ không thay đổi số lượng các trường trực thuộc Bộ và ổn định chỉ tiêu của các trường. Bộ sẽ sớm bạn hành quyết định về việc xem xét thành lập, sáp nhập, chia tách các trường ĐH, trong đó có việc xem xét nghiên cứu đối với việc thành lập phân hiệu của các trường.
Hiện, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ để ban hành quyết định mới.
Theo Bộ GD-ĐT, từ nay đến năm 2015 chỉ giải quyết những hồ sơ, đề án thành lập trường đã có đồng ý chủ trương của Thủ tướng, không giải quyết việc thành lập mới các cơ sở đào tạo và giữ ổn định quy mô đến năm 2020.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận quả quyết không mở mới các trường, ngành về khối Quản trị kinh doanh, Tài chính-ngân hàng, Kinh tế và trường cũ xin mở nữa cũng không xem xét.
Tăng chỉ tiêu đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ
Bộ GD-ĐT cho biết, năm 2013 chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ sẽ tăng từ 10 - 12% và chỉ tiêu thạc sĩ tăng 5%.
Cụ thể, năm 2013 chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ là 1.350 (năm 2012 là 1.218 chỉ tiêu, đào tạo thạc sĩ là 27.000 (năm 2012 là 25.500 chỉ tiêu).
Thí sinh trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2012. (Ảnh: Lê Anh Dũng)
Ông Nguyễn Ngọc Vũ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ GD-ĐT lý giải: Việc tăng quy mô đào tạo sau ĐH trong những năm gần đây phù hợp với xu hướng tập trung đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao và cũng phục vụ Đề án đào tạo 20.000 tiến sĩ vào năm 2020.
Trong năm 2013 tổng chỉ tiêu tuyển sinh của Bộ GD-ĐT với hệ ĐH chính quy là 133.000 chỉ tiêu; của bậc CĐ là 17.000 chỉ tiêu; của trung cấp chuyên nghiệp là 7.200 chỉ tiêu và tổng số ngân sách chi cho giáo dục đào tạo năm 2013 là trên 6.700 tỷ đồng.
Giảm chỉ tiêu ngành sư phạm
Về chỉ tiêu đào tạo giáo viên sư phạm, theo ông Vũ: Do tình trạng thừa giáo viên hiện nay nên chỉ tiêu sư phạm sẽ giảm dần so với chỉ tiêu sư phạm xác định trong năm 2012 và tiếp tục điều chỉnh giảm trong những năm tới trên cơ sở đánh giá lại thực trạng đội ngũ giáo viên hiện nay so với nhu cầu.
Chỉ tiêu đào tạo liên thong ĐH,CĐ tối đa bằng 20% chỉ tiêu đào tạo ĐH,CĐ chính quy. Chỉ tiêu đào tạo TCCN trong các ĐH tiếp tục giảm theo lộ trình giảm 20%/năm. Các trường thuộc dự kiến giảm chỉ tiêu trung cấp chuyên nghiệp với lộ trình nhanh hơn và chấm dứt đào tạo trung cấp trước 2017.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.