(HNMO)- Đó là thông tin được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đưa ra trong hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn (RAT) giai đoạn 2009 – 2016.
Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ Thực vật Hà Nội, tính đến hết năm 2012, trên địa bàn Hà Nội đã có 3.800 ha sản xuất RAT, tập trung tại 93 xã trọng điểm về trồng rau và đã được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất RAT. Trong năm nay, Hà Nội sẽ tiếp tục mở rộng thêm 4.500 ha RAT trên địa bàn gần 170 xã thuộc khu vực ngoại thành.
Bên cạnh đó, đến thời điểm này, các địa phương đã lập 31 dự án xây dựng vùng RAT tập trung, với tổng diện tích là 2.080 ha, trong đó có 9/31 dự án đã được phê duyệt dự án đầu tư và đang thi công; một số dự án đã thi công xong và đang đưa vào sử dụng, như: Yên Mỹ, Duyên Hà (Thanh Trì), Thanh Đa (Phúc Thọ), Thuỵ Hương (Chương Mỹ)…; có 18/31 dự án đã được thành phố chấp thuận cho phép thực hiện chuẩn bị đầu tư; có 4 dự án đang ở bước 1 (xin chủ trương đầu tư). Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn có 26 cơ sở sơ chế nhỏ của các HTX, doanh nghiệp đang hoạt động (đã được cấp phép) có công suất trung bình 200 – 1.000 kg/cơ sở/ngày.
Nhiều nông dân ở xã Tráng Việt (Mê Linh, Hà Nội) đã có thể làm giàu từ sản xuất RAT |
Hiện tại, ngoài các chợ đầu mối bán rau thông thường, trên địa bàn Hà Nội tiếp tục mở rộng các cửa hàng, các điểm bán RAT (58 cửa hàng được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh RAT, sản lượng tiêu thụ bình quân trong ngày 50 -120 kg/cửa hàng). Bên cạnh đó, còn có 35 siêu thị đang bán RAT, với sản lượng bình quân 80 - 120 kg/siêu thị/ngày. Ngoài ra, Hà Nội đã xác định được 300 điểm bán, phân phối RAT, trong đó chính thức vận hành được 50 điểm phân phối RAT tại các khu dân cư, cơ quan, đơn vị thuộc các quận: Thanh Xuân, Hà Đông, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Ba Đình, với mức tiêu thụ hiện tại bình quân đạt 100 - 150 kg rau/điểm/tuần.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Xuân Việt, trong thời gian tới, để khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ như hiện nay, các cơ quan chức năng của thành phố cần tăng cường liên kết, phối hợp với các huyện nhân rộng diện tích trồng RAT, xây dựng các vùng chuyên canh lớn; chú trọng tăng cường áp dụng khoa học công nghệ, giống, cơ giới hoá, phân bón, nước và tập trung xây dựng các khu sơ chế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.