Theo dõi Báo Hànộimới trên

Năm 2013: Kỳ vọng mới trong quy hoạch và quản lý đô thị

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm| 10/02/2013 06:50

(HNM) - 2012 đã khép lại với một năm đầy khó khăn, nhưng với nỗ lực lớn, Hà Nội cùng cả nước đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể.



Năm qua cũng là năm Thủ đô được chứng kiến nhiều sự kiện nổi bật để kỳ vọng năm 2013 kinh tế sẽ tăng trưởng cao hơn lạm phát thấp hơn 2012 và diện mạo đô thị đàng hoàng, to đẹp hơn. Công tác quy hoạch và quản lý đô thị có điều kiện đẩy mạnh, huy động được nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, phát triển văn hóa, thể thao, giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ. Cũng trong năm 2012, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết về phương hướng nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011-2020 với yêu cầu huy động tối đa sức mạnh tổng hợp của cả nước và nhân dân Thủ đô để xây dựng Hà Nội xứng tầm là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia. Đặc biệt nhất năm 2012 phải kể đến việc sau hơn 3 năm chuẩn bị Luật Thủ đô đã được Quốc hội thông qua. Đây là ước nguyện của người Hà Nội và người dân cả nước. Một lần nữa lịch sử lại giao trọng trách cho Hà Nội với sứ mệnh là Thủ đô mang tầm vóc mới.

Ảnh: Nhật Nam


Luật Thủ đô đã xác lập cơ chế đặc thù cho Hà Nội trong cả 7 lĩnh vực: Quy hoạch, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, môi trường - đất đai, kinh tế - tài chính, an ninh - an toàn xã hội. Để đưa Luật Thủ đô vào cuộc sống còn không ít việc phải làm, phải quan tâm mà trước hết là về trật tự, kỉ cương đô thị như Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã đề cập. Vấn đề cần quan tâm thường xuyên, quan trọng và là bước đi đầu tiên ngay trong 2013 là công tác quy hoạch và quản lý đô thị.

Tính từ năm 1954 đến nay, Hà Nội đã 4 lần điều chỉnh địa giới với quy mô lớn, song với lần điều chỉnh tháng 8-2008 đã mở rộng tới 3.344 km2, dân số 6,3 triệu người để Hà Nội trở thành đô thị có diện tích lớn nhất nước và là 1 trong 17 đô thị có quy mô lớn của thế giới. Hà Nội đã có 7 lần được phê duyệt quy hoạch chung, lần phê duyệt vừa qua tại Quyết định 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011 của Thủ tướng Chính phủ đã tạo cho Hà Nội một mô hình cấu trúc mới, đó là chùm đô thị với đô thị trung tâm phát triển đến Vành đai 4 cả hai bên sông Hồng; 5 đô thị vệ tinh (Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên, Sơn Tây, Sóc Sơn) và các thị trấn sinh thái Phùng, Tây Đằng, Liên Quan, Kim Bài, Vân Đình, Đại Nghĩa, Thường Tín, Phúc Thọ, Quốc Oai, Chúc Sơn... Đô thị trung tâm được phân cách bởi vành đai xanh, hành lang xanh, nêm xanh chiếm tới gần 70% diện tích tự nhiên của thành phố. Đất xây dựng đô thị sẽ phát triển tới gần 73.000ha vào 2020 và 94.700ha vào năm 2030 (23,8% diện tích tự nhiên) gấp 5 lần hiện nay. Nếu tính cả đất xây dựng đô thị và nông thôn thì tới năm 2020 sẽ đạt tới gần 123.000ha và tới 2030 sẽ là 159.000ha. Với định hướng phát triển như vậy, trung bình mỗi năm phải chuyển đổi 3.500 - 4000ha đất sang xây dựng, gấp hơn 3 lần bình quân những năm qua.

Để đạt được chỉ tiêu phát triển như trên, sau quy hoạch chung phải triển khai 140 đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch đô thị vệ tinh, thị trấn, khu trung tâm...Nhìn lại gần một năm rưỡi qua cho thấy đây là khối lượng rất lớn, là hướng quản lý cho 15 năm, 20 năm, nhưng số lượng quy hoạch được phê duyệt năm 2012 chưa là bao. Rào cản này đã tác động không nhỏ đến phát triển bền vững, tăng trưởng và nhất là thị trường bất động sản. Thực trạng này không chỉ đòi hỏi năm 2013 hoàn thành phê duyệt quy hoạch như Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 của HĐND TP Hà Nội, mà còn là đổi mới cách làm, nâng cao chất lượng và lựa chọn ưu tiên.

Trong Luật Thủ đô có tới 11 điều liên quan trực tiếp đến nghiên cứu, lập, phê duyệt quy hoạch; đòi hỏi quy hoạch phải có tầm nhìn xa, có chất lượng cao, có tính khả thi đa ngành. Yêu cầu này đòi hỏi phải được đổi mới cách làm từ năm 2013. Cùng với phát triển mới, vấn đề cải tạo các khu vực đô thị cũ đã được đề cập rõ ràng hơn, đó là các khu nội đô, các chung cư cũ, di dời các cơ sở công nghiệp, một số bệnh viện, trường đại học, cao đẳng, trụ sở bộ, ngành trung ương. Luật Thủ đô xác định, UBND TP Hà Nội phải chủ trì phối hợp với các bộ, ngành xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn đặc thù của các khu vực cải tạo để trình Thủ tướng xem xét quyết định. Đây là yêu cầu mà nhiều năm qua chưa được triển khai, triển khai, hoặc chưa đồng bộ nên việc di dời chưa như kế hoạch, người dân còn phàn nàn về tình trạng thiếu minh bạch trong quản lý.

Trong nghiên cứu quy hoạch và quản lý đô thị, dự báo dân số và quản lý dân số luôn là chỉ tiêu cơ bản để tính toán, nghiên cứu, lập đồ án, Luật Thủ đô đã đề cập đến quản lý dân số, nhất là trong nội đô với cơ chế chính sách đặc thù. Bài học từ quy hoạch chung năm 1998 cho thấy dù quy hoạch đã xác định khu vực hạn chế phát triển từ Vành đai 2 trở vào, khống chế dân số từ 96 vạn lúc đó xuống 80 vạn người, nhưng do thiếu cơ chế, chính sách đặc thù nên thực tế đã không giảm mà con tăng lên 1,2 triệu người. Khu vực Bắc sông Hồng (Long Biên, Đông Anh) dự kiến phát triển đô thị với 1 triệu người nhưng không đạt như tính toán. Với cơ chế đặc thù được Luật Thủ đô xác lập, phải chăng cần sớm đổi mới và có chính sách quản lý chặt chẽ dân số nhập cư vào nội đô, đồng thời với xây dựng chính sách ưu đãi để dãn dân nội đô và phân bố hợp lý dân cư ở những khu vực phát triển mới, nhất là các đô thị vệ tinh.

Tổ chức triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù là đã tạo lập được hành lang pháp lý công cụ quản lý, nhưng quan trọng hơn là cách sử dụng công cụ, là cải cách thể chế, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý đô thị để giảm chồng chéo, nâng cao hiệu quả và năng lực quản lý như chỉ đạo của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khi làm việc với Hà Nội ngày 4-1-2013.

Hà Nội đang là chùm đô thị có mô hình riêng, lại có phần đô thị và nông thôn nên lựa chọn bộ máy quản lý nào là vấn đề cần xem xét. Nhìn ra một số nước trên thế giới cho thấy đây là yêu cầu quan trọng luôn được điều chỉnh để phù hợp với mô hình, cấu trúc đô thị. Nước Anh, tùy cấp hành chính và quy mô mà xác định chức năng của chính quyền đô thị. Chính quyền đô thị gọn nhẹ, các quy định, thể chế cụ thể và rõ ràng, song hệ thống tổ chức về cưỡng chế, xử lý vi phạm (thanh tra, cảnh sát, tòa án) được xây dựng mạnh, hoạt động hiệu quả. Sự tham gia của cộng đồng nhân dân, các tổ chức xã hội và giới truyền thông được khuyến khích.

Ở Trung Quốc hệ thống đô thị khá phức tạp, mỗi đô thị có bộ máy quản lý khác nhau. Bắc Kinh, từ năm 1950 đến nay đã 6 lần phê duyệt quy hoạch chung và gần nhất là năm 2004 (dân số 13,5 triệu với 16.816 km2), với cấu trúc là vùng đô thị đa trung tâm đã tổ chức hệ thống cơ quan quản lý tới 48 đơn vị cấp sở và tương đương, 9 phó thị trưởng. Riêng ủy ban quy hoạch (tương đương sở ở Việt Nam) có tới 17 đơn vị, viện thiết kế và đặc biệt có 18 chi nhánh ở cấp quận, huyện. Bộ máy quản lý khá lớn và cồng kềnh có một số chức năng trùng lặp như đất đai, giao thông, môi trường... Bắc Kinh cũng đang đặt vấn đề điều chỉnh và hướng tới sự phân công rõ ràng hơn.

Thủ đô Băng Cốc của Thái Lan có diện tích 7.761km2, dân số gần 12 triệu người, trong đó phần đô thị có diện tích 1.568 km2, dân số hơn 9,1 triệu người. Thống đốc - người đứng đầu chính quyền, trước 1975 do Hội đồng chính quyền thành phố bổ nhiệm, sau 1975 được dân bầu trực tiếp với nhiệm kỳ 4 năm. Trong cơ cấu chính quyền, Sở Quy hoạch là cơ quan chịu trách nhiệm về các quy hoạch, song cấp phép xây dựng được giao cho nhiều đơn vị khác nhau, tùy theo chuyên ngành quản lý. Băng Cốc cũng đang phải tìm giải pháp, trong đó có cả cơ cấu tổ chức, để đối phó với ảnh hưởng từ gia tăng dân số, tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường và phát triển lộn xộn về kiến trúc.

Nêu vài ví dụ như trên để thấy quản lý đô thị luôn là vấn đề có tồn tại và đặc thù, bởi vậy phải xác định rõ đặc thù đô thị để lựa chọn cơ chế, chính sách quản lý và hệ thống tổ chức thích hợp. Luật Thủ đô có hiệu lực từ 1-7-2013, tạo động lực mới, hành lang pháp lý với cơ chế chính sách đặc thù cho Hà Nội phát triển và bước sang trang mới với tầm vóc mới. Vẫn biết rằng để tạo sự chuyển biến rõ nét cần có cả quá trình, song quy hoạch và quản lý đô thị vẫn là một trong những giải pháp chủ yếu và là bước đi cần sớm có đột phá. Hy vọng với tình yêu Hà Nội của nhân dân Thủ đô, cùng sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương, của nhân dân cả nước, Hà Nội sẽ khởi sắc từ năm 2013, với trật tự, kỷ cương, văn minh, hiện đại và tiêu biểu cho cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năm 2013: Kỳ vọng mới trong quy hoạch và quản lý đô thị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.