(HNM) - Nhằm cải thiện điều kiện sống cho người dân các khu vực Thủ đô mới mở rộng, UBND TP Hà Nội vừa yêu cầu các cơ quan chức năng trong tháng 10-2010 phải lập xong báo cáo dự án cấp nước sạch để có thể triển khai thi công từ đầu năm 2011, trước mắt tập trung cho các vùng lân cận trục đường Láng - Hòa Lạc.
Nhà máy nước sạch Sông Đà. |
Mong mỏi nước sạch
Sau ngày điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô, trong nhiều buổi trực tiếp đi thăm và làm việc với cán bộ, nhân dân các địa phương, một trong những vấn đề được lãnh đạo TP Hà Nội quan tâm và chỉ đạo sát sao nhất là phải nâng cao điều kiện sống của người dân, từng bước đưa nông thôn tiến gần hơn với thành thị. Cùng với đầu tư cải tạo đường, xóa cầu tạm để xây cầu mới thì nước sạch là vấn đề được UBND TP Hà Nội đặc biệt quan tâm, đôn đốc. Trong buổi làm việc với lãnh đạo huyện Thanh Oai cuối tháng 5 vừa qua và trước đó là các huyện Hoài Đức, Chương Mỹ, sau khi lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của chính quyền và nhân dân địa phương, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan chậm nhất tháng 10-2010 phải hoàn thành báo cáo về dự án cấp nước cho 3 huyện từ nguồn nước sông Đà, trong đó thể hiện chi tiết lộ trình, phân kỳ triển khai dự án.
Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Hồng Yên cho biết, từ trước đến nay, nước sạch luôn là nỗi mong mỏi của người dân địa phương. Ngay cả thị trấn Kim Bài, khu vực phát triển bậc nhất huyện cũng chưa có nước máy. Hầu hết các gia đình trong huyện đều xây bể chứa nước mưa nhưng chỉ dám để dùng ăn uống một cách dè sẻn. Nguồn nước sử dụng chủ yếu vẫn lấy từ giếng khoan.
Khó nhất vẫn là khâu quy hoạch
Trong Công văn số 2478/SXD-HTKTCN&TN gửi UBND TP Hà Nội để xin chủ trương lập dự án, lãnh đạo Sở Xây dựng khẳng định: Dự án mở rộng hệ cấp nước của quận Hà Đông để cấp nước sạch cho khu vực phía tây nam Hà Nội, trước mắt giai đoạn I cho các huyện Hoài Đức, Chương Mỹ và Thanh Oai là cần thiết và phù hợp với kế hoạch và quy hoạch tổng thể hệ thống cấp nước TP Hà Nội; phù hợp với "Chương trình cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn TP Hà Nội giai đoạn 2009 - 2020". Sở đề nghị TP giao cho Công ty Cấp nước Hà Đông làm chủ đầu tư dự án này.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Lại Văn Thịnh, Phó Giám đốc Công ty Cấp nước Hà Đông cho biết, sau khi có chủ trương của TP và Sở Xây dựng, Công ty đã làm việc với các huyện để khảo sát, điều tra xã hội học và tiến hành lập dự án. Điều thuận lợi trước tiên là lãnh đạo các huyện rất ủng hộ và tạo mọi điều kiện để Công ty lập dự án. UBND huyện Hoài Đức còn gửi công văn cho các xã, yêu cầu phối hợp chặt chẽ với Công ty để dự án triển khai sớm có hiệu quả.
Theo đơn vị tư vấn, tổng mức đầu tư của dự án này vào khoảng trên 346 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách TP cấp chiếm tỷ lệ 76,4% (gần 265 tỷ đồng) dành để lắp đặt đường ống trục, đền bù giải phóng mặt bằng, tư vấn đầu tư xây dựng; vốn vay của chủ đầu tư chiếm 23,6% (gần 82 tỷ đồng) để lắp đặt đường ống truyền dẫn và phân phối vào các khu dân cư. Bước đầu dự kiến sẽ tập trung triển khai vào các thị trấn và một số xã không cách quá xa quận Hà Đông. Cụ thể: thị trấn Chúc Sơn, xã Phụng Châu (huyện Chương Mỹ); xã An Khánh, La Phù, Đông La (huyện Hoài Đức); thị trấn Kim Bài, các xã Bích Hòa, Cao Viên, Bình Minh, Thanh Cao, Tam Hưng, Thanh Mai (huyện Thanh Oai).
Bà Phạm Thị Linh, Phó Trưởng ban QLDA cho biết, dự kiến quá trình triển khai sẽ chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn I từ đầu năm 2011 thi công đường trục và đường ống dẫn vào các khu vực trọng điểm để sang năm 2012 bắt đầu cấp nước cho khoảng 43.000 người tại khu vực thị trấn và các xã lân cận. Song song với đó sẽ tiếp tục triển khai tới các khu vực khác. Giai đoạn II mở rộng cấp nước trên phạm vi toàn dự án cho khoảng trên 100.000 người dân được sử dụng nước sạch với công suất 22.000 m3/ngày đêm.
Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi là được lãnh đạo TP tạo điều kiện, chính quyền và nhân dân địa phương ủng hộ thì còn không ít khó khăn. Trong đó khó nhất vẫn là khâu quy hoạch. Đường trục cấp nước kéo dài và nhất thiết phải liên quan đến các dự án giao thông đô thị. Quy hoạch cấp nước phải bám vào quy hoạch giao thông. Song hiện tại, quận Hà Đông và các huyện vẫn chưa có quy hoạch cấp nước. Trong khi đó dự án giao thông của các địa phương còn đang ngổn ngang. Vì vậy, khi tiến hành dự án này sẽ khó trùng khớp được với giao thông. Tới đây, Công ty sẽ chính thức báo cáo Sở Xây dựng và UBND TP nhằm tìm biện pháp tháo gỡ, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ dự án.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.