(HNM) - Năm 2012, các trường tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong công tác tuyển sinh, từ năm 2016 sẽ không thi theo khối nữa, một số trường ĐH đặc thù vẫn được đào tạo trình độ trung cấp…, đó là những nội dung quan trọng mà Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã khẳng định tại hội nghị Hiệu trưởng trường ĐH, CĐ - diễn ra ngày 14-2. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã tham dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Đổi mới theo lộ trình
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, năm 2012, việc tuyển sinh sẽ có một số điểm mới dù về cơ bản vẫn giữ ổn định theo giải pháp "3 chung". Đáng chú ý là việc bổ sung khối thi A1 (toán, lý, tiếng Anh) bên cạnh các khối thi như trước. Lịch thi được điều chỉnh để các đợt thi trùng vào các ngày thứ bảy, chủ nhật của 3 tuần đầu tháng 7. Ngoài ra, trong công tác tuyển sinh 2012 còn có sự điều chỉnh khác, về tuyển thẳng đối với học sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia và bổ sung cụm thi Hải Phòng, cho phép thí sinh dự thi tại cụm Vinh đăng ký học tại các trường ĐH đóng tại TP Hồ Chí Minh.
Năm học 2012, công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng sẽ có một số thay đổi. Ảnh: Nhật Nam |
Thay đổi quan trọng nhất trong năm nay là các trường được chủ động về phương thức tuyển sinh, không còn theo 3 đợt dựa trên đăng ký 3 nguyện vọng như trước. Từ nay, không còn quy định số đợt thi, số nguyện vọng hay thời gian tuyển chọn. Sau khi tuyển chọn và triệu tập thí sinh nhập học, nếu còn chỉ tiêu, các trường có thể thông báo công khai điều kiện tuyển tiếp. Sau ngày 31-12, là thời hạn báo cáo kết quả tuyển sinh, các trường còn chỉ tiêu có thể tiếp tục tuyển cho đủ. Tuy thế, quy định này không có nghĩa các trường kéo dài lê thê việc xét tuyển, bởi theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, có tới 70% thí sinh được tuyển ngay trong đợt đầu, việc xét tuyển chỉ kéo dài với 30% số thí sinh còn lại.
|
Về lộ trình tiếp theo, từ năm 2016-2019 sẽ không thi theo khối, chỉ tổ chức thi tuyển sinh một đợt, nhiều môn, trong đó có 2 môn bắt buộc (toán, ngữ văn) và các môn thi tự chọn; các trường quy định tổ hợp các môn thi để xét tuyển cho từng ngành đào tạo. Từ năm 2020 trở đi, khi Luật GD ĐH đã đi vào cuộc sống, sự phân tầng ĐH đã được thực hiện, kiểm định chất lượng đi vào nền nếp, việc thi tuyển sinh chỉ còn diễn ra ở các trường tốp đầu, các trường còn lại sẽ xét tuyển dựa vào kết quả học tập phổ thông.
Về việc năm nay Bộ GD-ĐT không đứng ra in ấn cuốn "Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ", thí sinh ở vùng sâu, vùng xa có thể gặp khó khăn, Thứ trưởng Bùi Văn Ga quả quyết: Tất cả các trường THPT trên cả nước đều có thể truy cập internet, việc ban hành cuốn sách là không cần thiết. Tuy nhiên, Bộ khuyến khích các đơn vị xuất bản in ấn, song số liệu là do các trường cung cấp và chịu trách nhiệm chứ không có "nhãn Bộ GD-ĐT".
Không "du di" tiêu chí xác định chỉ tiêu
Phần lớn ý kiến tại hội nghị đều xoay quanh phương thức đổi mới tuyển sinh năm 2012 mà Bộ GD-ĐT đã đề ra, đặc biệt là về xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Với mục đích tập trung củng cố chất lượng, giảm dần quy mô các hệ đào tạo không chính quy, Bộ GD-ĐT giao các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong xác định chỉ tiêu, trên cơ sở các tiêu chí về số SV/giảng viên, số SV/diện tích. Theo đó, tổng chỉ tiêu tuyển sinh vừa làm vừa học, liên thông, đào tạo văn bằng hai… được xác định không quá 50% tổng chỉ tiêu chính quy đã xác định. Từ năm 2012, các trường ĐH, học viện không tuyển sinh và đào tạo trình độ trung cấp. Các trường không được liên kết tuyển sinh và đào tạo chính quy ngoài trụ sở chính hay phân hiệu của trường. Bộ GD-ĐT cũng bổ sung chế tài xử lý hiệu trưởng và những người có liên quan nếu không trung thực trong kê khai các tiêu chí nói trên.
Tuy những quy định này đã được đưa ra từ cuối năm 2011 nhưng tới giờ, trong số 285 trường đăng ký chỉ tiêu, vẫn có 55 trường ĐH và 39 trường CĐ đăng ký vượt số cho phép. Ông Đỗ Hữu Thái, Hiệu trưởng ĐH Lạc Hồng băn khoăn: Liệu có nên cứng nhắc với tiêu chí 25 SV chính quy/giảng viên bởi các trường mới lập, mới nâng cấp không "chạy" theo được tiêu chí này, không lẽ không được tuyển sinh? Đề nghị Bộ có giải pháp cho "những việc đã rồi".
Hiệu trưởng CĐ Công thương Lê Thanh Bình tiếc nuối: "Thí sinh đăng ký vào trường gần đây tăng cao, năm 2011 là gần 24 nghìn hồ sơ nhưng trường không đủ điều kiện tiếp nhận nên phải loại hàng chục nghìn thí sinh. Chỉ tiêu phụ thuộc vào giảng viên, nhưng chúng tôi không giữ chân được họ. Bộ yêu cầu phải trung thực, nếu chúng tôi trung thực thì sẽ có rất ít chỉ tiêu". Ông Bình đề nghị Bộ nghiên cứu xác định "chỉ tiêu phụ" để trường được tuyển sinh theo năng lực.
Trước những ý kiến này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận kết luận: "Việc điều chỉnh chỉ tiêu theo tiêu chí là không thể khác. Giáo viên là yếu tố quyết định chất lượng đào tạo, không thể để tình trạng có bộ môn chỉ có một giảng viên như hiện nay. Tiêu chí, thậm chí phải khắt khe hơn nữa".
Sẽ có ngoại lệ
Về quy định trường ĐH không đào tạo trình độ trung cấp, Hiệu trưởng ĐH Hà Tĩnh Nguyễn Văn Đính cho rằng, chủ trương này không tính tới tính đặc thù của các trường địa phương. Như ĐH Hà Tĩnh hình thành trên cơ sở sáp nhập 3 đơn vị, trong đó có một số trường trung cấp được giải tán để nâng cấp với chủ trương đào tạo đa ngành. Giờ trường không được đào tạo một số ngành trung cấp truyền thống thì con em Hà Tĩnh sẽ phải sang tỉnh khác để học trình độ này. Giám đốc Học viện Âm nhạc TP Hồ Chí Minh, bà Văn Thị Minh Hương lưu ý Bộ nên quan tâm tới khối trường văn hóa nghệ thuật: "Ở trường chúng tôi, các em học 9 năm, nếu không có nguồn trung cấp thì không có nguồn thi ĐH".
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, Bộ sẽ cân nhắc ngoại lệ đào tạo trung cấp cho một số trường đặc thù. Bộ GD-ĐT sẽ tiếp nhận ý kiến của lãnh đạo các trường để đưa ra kết luận cuối cùng và sớm có văn bản chính thức gửi tới các cơ sở giáo dục, đào tạo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.