(HNM) - Mặc dù tình hình tại các thị trấn chính của bang Rakhine thuộc miền Tây Myanmar đã cơ bản được kiểm soát kể từ 24 giờ qua sau khi Chính phủ nước này tăng cường các biện pháp an ninh, nhưng nỗi hoang mang lo sợ các vụ tấn công tương tự của những kẻ gây rối có thể tái diễn vẫn ám ảnh nhiều người dân Rakhine.
Ngọn nguồn của làn sóng bạo lực những ngày qua tại Rakhine bùng phát từ ngày 8-6 sau khi 3 người Hồi giáo bị cáo buộc sát hại một phụ nữ, trong khi 10 người Hồi giáo khác lại bị một đám đông đánh đến chết. Bất chấp việc Chính phủ Myanmar ban hành lệnh giới nghiêm tại một loạt khu vực được cho là điểm nóng của tình trạng bất ổn ở bang Rakhine gồm: Thandwe, Kyaukphyu, Ramree, Sittway, Maungtaw… bạo lực đã cướp đi sinh mạng của 8 người, 23 người bị thương, hàng trăm ngôi nhà, cửa hàng và một ngôi đền Hồi giáo bị đốt phá, cướp bóc. Trước tình trạng mất an ninh không ngừng gia tăng khiến Chính phủ không thể triển khai công việc hành chính một cách hiệu quả tại đây, Tổng thống Thein Sein buộc phải ban bố tình trạng khẩn cấp lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức hồi năm ngoái đến nay tại bang Rakhine từ ngày
10-6, với hy vọng sẽ sớm khôi phục được tình hình an ninh và ổn định cho người dân.
Làn sóng bạo lực vừa qua tại Myanmar bắt nguồn từ mâu thuẫn liên quan đến tôn giáo, phân biệt chủng tộc. |
Cùng với việc cho thành lập một ủy ban điều tra để tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến vụ việc, trong bài phát biểu mới nhất được truyền trực tiếp trên sóng phát thanh và truyền hình, Tổng thống Thein Sein thừa nhận rằng, các vụ đụng độ đẫm máu vừa qua là bắt nguồn từ mâu thuẫn liên quan đến tôn giáo, phân biệt chủng tộc và trả thù do bị kích động. Đây không phải lần đầu tiên các vụ xung đột tôn giáo xảy ra tại bang Rakhine. Myanmar là đất nước có tới 89% dân số theo đạo Phật trong khi người Hồi giáo chỉ chiếm 4%. Điều đáng lo ngại là các hành động không tuân thủ luật pháp bùng phát có nguy cơ đe dọa đến tiến trình dân chủ mới bắt đầu chưa được bao lâu ở quốc gia Đông Nam Á vốn đang cần một môi trường ổn định để phát triển kinh tế. Trước tình hình đó, sự hợp tác chặt chẽ giữa các chính đảng, tổ chức tôn giáo, các tổ chức cộng đồng cũng như các phương tiện thông tin đại chúng là giải pháp quan trọng nhất được Tổng thống Thein Sein đặt trọng tâm ưu tiên nhằm sớm khôi phục hòa bình và ổn định tại bang Rakhine hiện nay.
Trong khi những lo ngại về tình hình bất ổn tại bang Rakhine chưa chấm dứt, một tín hiệu lạc quan cho tiến trình ổn định và phát triển đất nước của Myanmar lại lóe lên khi Chính phủ vừa ký kết thỏa thuận hòa bình với đảng Tiến bộ Quốc gia Kaiinni (KNPP), một trong những nhóm vũ trang sắc tộc ở nước này. Thỏa thuận bước ngoặt vừa được ký kết được kỳ vọng sẽ góp phần chấm dứt các cuộc xung đột vũ trang và kiến tạo hòa bình dựa trên kế hoạch 20 điểm của KNPP mà hai bên đã thông qua tại các cuộc hội đàm cấp nhà nước hồi tháng 3 vừa qua. Đây là bước tiến quan trọng sau gần một năm Tổng thống Thein Sein đề xuất với 12 nhóm vũ trang trong nước bản kế hoạch kiến tạo hòa bình ba giai đoạn. Như vậy đến nay đã có 12 nhóm vũ trang sắc tộc ở Myanmar đạt được thỏa thuận hòa bình sơ bộ với chính phủ ở cấp bang hoặc cấp trung ương.
Tiến trình dân chủ ở Myanmar vừa gặt hái được những bước tiến lớn khi quốc gia Đông Nam Á này ngày càng trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư. Trong bối cảnh các khoản nợ quốc tế của Myanmar hiện vào khoảng 5,5 tỷ USD, việc xây dựng một chính phủ mạnh về tài chính, cho phép tăng cường hoạt động kinh tế tư nhân; đồng thời trao thêm quyền cho các ngân hàng và ưu tiên cho lĩnh vực nông nghiệp… là một loạt giải pháp mà các chuyên gia kinh tế cho rằng đang rất cần thiết với Myanmar. Tuy nhiên, một đất nước ổn định về an ninh, người dân không lo sợ trước những vụ tấn công bạo lực là điều không chỉ người dân Myanmar mà cả khu vực ASEAN đều quan tâm trong bối cảnh xứ Ngọc bích đang "trải thảm đỏ" mời gọi các nhà đầu tư quốc tế đến làm ăn lâu dài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.