(HNM) - Cuộc khủng hoảng Ukraine đang dẫn đến cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất giữa Nga và phương Tây kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc.
Một khu vực dân sự ở Snezhnoye, thuộc Donetsk bị phá hủy do chiến sự trong những ngày qua tại Đông Ukraine. |
Ngày 16-7 vừa qua, cả Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) đều đã quyết định gia tăng trừng phạt với Mátxcơva. Trong một tuyên bố được đưa ra sau một cuộc họp đặc biệt của Hội đồng Châu Âu (EC), các nhà lãnh đạo Châu Âu đã nhất trí mở rộng các lệnh trừng phạt hạn chế với Nga. Trong đó đáng chú ý nhất là việc ngưng các khoản đầu tư mới vào Nga của Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB) và Ngân hàng Tái thiết và phát triển Châu Âu (EBRD). EU cũng nhất trí mở rộng lệnh trừng phạt nhằm vào các công ty Nga có liên quan đến xung đột tại Ukraine. Cùng lúc, Bộ Tài chính Mỹ cũng tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào một số ngân hàng cũng như các công ty năng lượng và quốc phòng hàng đầu của Nga, trong đó có tập đoàn dầu khí quốc doanh lớn nhất Nga Rosneft, tập đoàn khí đốt lớn thứ hai Novatek, ngân hàng có liên hệ mật thiết với hoạt động xuất khẩu khí đốt của Nga Gazprombank, Ngân hàng Vneshekonombank. Ngoài ra, lệnh trừng phạt còn nhằm vào 8 nhà cung cấp vũ khí. 4 doanh nghiệp lớn của Nga cũng sẽ bị Bộ Tài chính Mỹ giới hạn việc tiếp cận nguồn vốn, các khoản vay trung và dài hạn từ các nhà đầu tư và định chế tài chính có quan hệ với Mỹ. Danh sách trừng phạt còn có cả các biện pháp nhằm vào Cộng hòa nhân dân Donetsk và Cộng hòa nhân dân Lugansk tự phong ở miền Đông Ukraine. Tuy nhiên, Mỹ không đóng băng tài sản cũng như không ngăn cấm công dân Mỹ hay các doanh nghiệp có liên hệ với Mỹ làm ăn với các doanh nghiệp tại khu vực này.
Trước vòng trừng phạt vừa tung ra, Mỹ và EU đã có hai đợt trừng phạt với Nga, nhưng chủ yếu với nội dung cấm visa và đóng băng tài sản đối với các cá nhân được cho là gần gũi với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Hành động của Mỹ và EU được đưa ra sau nhiều tuần Mỹ cảnh báo rằng Mátxcơva chưa tuân thủ các yêu cầu của phương Tây trong việc sử dụng ảnh hưởng để thuyết phục các phần tử ly khai ở miền Đông Ukraine hạ vũ khí và ngăn chặn việc tuồn vũ khí cũng như thiết bị quân sự qua biên giới vào Ukraine. Loạt lệnh trừng phạt mới trên không ngoài mục đích bóp nghẹt nền kinh tế quy mô 2.000 tỷ USD của cường quốc này. Với các đợt trừng phạt nối tiếp nhau, Mỹ và EU muốn Nga phải trả giá cho cuộc khủng hoảng mang tên Ukraine.
Ngay lập tức, Tổng thống Nga V.Putin tuyên bố các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ đối với Nga sẽ phản tác dụng và giáng đòn nghiêm trọng vào quan hệ song phương. Tổng thống V.Putin cũng lấy làm tiếc rằng các đối tác của Nga, trước hết là Mỹ không nỗ lực thúc đẩy hòa bình mà ngược lại đang đẩy Kiev dấn sâu vào cuộc chiến huynh đệ tương tàn và khẳng định chính sách này của Mỹ sẽ thất bại.
Thực tế, chính quyền Obama cho rằng các biện pháp trừng phạt đang gây hậu quả cho nền kinh tế Nga khi thống kê của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy tăng trưởng của Nga đã suy giảm trong năm nay và nền kinh tế Nga đã ngấp nghé suy thoái, các dòng vốn nước ngoài đang chảy mạnh khỏi nước này... Tuy nhiên, sự kiện EU và Mỹ cùng dồn ép kinh tế sẽ không chỉ khiến bên bị trừng phạt thiệt hại mà bên trừng phạt cũng sẽ chịu tác động không nhỏ. Thậm chí, theo các nhà phân tích, nếu như tác động của những lệnh trừng phạt này đủ sức nặng thì chính Mỹ và EU cũng phải chịu những "phản ứng phụ" nặng nề hơn. Hiện Nga là đối tác thương mại đứng hàng thứ ba của EU, sau Mỹ và Trung Quốc. Vì thế, lệnh cấm vận càng dài, Nga càng suy yếu thì EU cũng thiệt hại không nhỏ. Bên cạnh đó, giới kinh doanh Mỹ cũng sẽ mất không ít cơ hội làm ăn tại Nga nếu Mỹ tiếp tục siết chặt trừng phạt. Mới đây, Thứ trưởng Tài chính Mỹ David Cohen cũng đã lên tiếng thừa nhận rằng, "áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế với Nga cũng khiến Mỹ và EU tổn thất không nhỏ". Các biện pháp trừng phạt không chỉ gây thương tổn cho nền kinh tế Nga, mà còn tác động tiêu cực đến các công ty của Mỹ và đặc biệt là ở Châu Âu, nơi có nhiều ngân hàng và công ty năng lượng có lợi ích sâu rộng với đối tác Nga.
Rõ ràng, vòng phạt mới của Mỹ và EU với Nga đang đẩy mối quan hệ đôi bên vào ngõ cụt và điều này dự báo tổn hại về lợi ích chiến lược của Mỹ tại Châu Âu. Trong khi đó, chiến sự vẫn tiếp diễn ác liệt ở miền Đông Ukraine. Do đó, để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine mà không làm phương hại đến lợi ích của các bên liên quan, các nước cần phải ngồi vào bàn đàm phán, thương lượng hơn là tiếp tục các biện pháp trừng phạt cổ điển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.