Các công tố viên ở thành phố New York (Mỹ) ngày 31-8 đã buộc tội 15 đối tượng âm mưu mua bán giấy chứng nhận giả tiêm phòng vắc xin, do một phụ nữ có biệt danh AntiVaxMomma chủ mưu. Vụ việc cho thấy đã hình thành một thị trường chợ đen tại Mỹ cho các giấy chứng nhận giả tiêm vắc xin ngừa Covid-19.
Jasmine Clifford, 31 tuổi, từ bang New Jersey, bị cáo buộc bán khoảng 250 giấy chứng nhận giả thông qua tài khoản Instagram của mình. Bắt đầu từ tháng 5-2021, Clifford, một doanh nhân tự xưng với một số dịch vụ trực tuyến, bị cáo buộc thu 200 USD cho mỗi chứng nhận giả tiêm chủng.
Clifford cũng thông đồng với Nadayza Barkley, 27 tuổi, để nhập trái phép tên ít nhất 10 người vào cơ sở dữ liệu người dân đã tiêm vắc xin của New York, nhằm lấy 250 USD lệ phí. Barkley bị cáo buộc cùng với 13 người khác đã mua giấy chứng nhận giả, tất cả được cho là nhân viên làm việc tại các cơ sở thiết yếu như bệnh viện và nhà dưỡng lão.
Chưởng lý quận Manhattan, Cyrus Vance cho rằng, các công ty như Facebook cần có hành động ngăn chặn nạn lừa đảo diễn ra trên các nền tảng của mình. Sản xuất, bán và mua giấy chứng nhận giả tiêm phòng là tội nghiêm trọng, gây hậu quả lớn cho an toàn của công chúng.
Các vụ bắt giữ diễn ra trong bối cảnh các bang tại Mỹ tăng cường yêu cầu tiêm vắc xin nhằm làm chậm đà lây lan của biến thể Delta. New York đang yêu cầu tất cả nhân viên y tế tiếp xúc với công chúng phải có chứng nhận đã tiêm vắc xin, ngoài ra, hàng chục nghìn viên chức của bang phải trình giấy chứng nhận tiêm vắc xin nếu không sẽ phải xét nghiệm hằng tuần.
Tại thành phố New York, người dân đến các địa điểm ngoài trời như nhà hàng, phòng tập thể dục và địa điểm biểu diễn phải trình giấy chứng nhận tiêm vắc xin, hoặc thẻ chứng nhận giấy hoặc điện tử.
Cơ quan bảo vệ biên giới và hải quan Mỹ gần đây cho biết, các nhân viên của cơ quan này tại Memphis tịch thu hơn 3.000 giấy chứng nhận giả tiêm vắc xin trong năm 2021.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.