Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mỹ thuật Việt Nam: Bước tiến đồng đều, chuyên nghiệp

An Nhi| 03/01/2021 06:13

(HNM) - Khép lại năm 2020 đầy biến động, giống như mọi lĩnh vực khác trong đời sống xã hội, mỹ thuật nước nhà cũng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Song, đó cũng là động lực để giới nghệ sĩ tạo hình Việt Nam vươn lên. Nhìn lại chặng đường phát triển vừa qua, mỹ thuật Việt Nam đã có bước tiến đáng kể, với lực lượng sáng tác ngày càng dày dặn, đồng đều, chuyên nghiệp.

Khách tham quan Triển lãm mỹ thuật toàn quốc 2020. Ảnh: Thụy Du

Trình độ sáng tác được nâng lên

Tại Triển lãm mỹ thuật toàn quốc 2020 - sự kiện "khoe tài, khoe tác" của giới nghệ sĩ tạo hình sau 5 năm sáng tác (2016-2020), do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức tại Hà Nội vào tháng 12-2020, đông đảo người yêu nghệ thuật đã được tiếp cận, thưởng thức gần 500 tác phẩm (gồm các thể loại đồ họa, hội họa, điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt, video art và các loại hình nghệ thuật đương đại khác) của 483 tác giả cả nước, được lựa chọn từ 3.571 tác phẩm tham dự. Các tác phẩm đã phản ánh sinh động cuộc sống lao động, học tập, sinh hoạt, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và nhiều vấn đề đương đại với những hướng tiếp cận mới, cách thể hiện đa dạng.

Là người gắn bó với Triển lãm mỹ thuật toàn quốc nhiều lần với tư cách khán giả, nghệ sĩ và lần này tham gia Hội đồng nghệ thuật, nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng cho biết, các tác phẩm kém chất lượng ngày càng ít đã chứng tỏ trình độ sáng tác của nghệ sĩ tạo hình Việt Nam đã được nâng lên. Hầu hết tác giả đều cho thấy khát khao tìm tòi ngôn ngữ biểu đạt mới. Tiêu biểu như tác phẩm “Họ - Một phần cuộc sống của tôi” - bức đồ họa chân dung của tác giả Vũ Bạch Liên thực hiện trong nhiều năm từ 10.000 dấu vân tay. Nhiều nghệ sĩ thể hiện sự vượt lên với những tác phẩm mới mẻ, đầy nội lực, như: Võ Việt Dũng với video art “Tích tắc”, Kù Kao Khải với sắp đặt “Chuông”, Huỳnh Tuấn Đệ với tranh sơn mài “CoV”…

Đi sâu sát hơn vào đời sống nghệ thuật tạo hình đương đại, cuối năm 2020, Hội Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức 9 triển lãm mỹ thuật khu vực tại nhiều địa phương trên cả nước, với 2.769 tác phẩm của 1.884 tác giả tham dự, qua đó xét chọn, trao giải thưởng cho 96 tác phẩm. Họa sĩ Phùng Quốc Trí (Hà Nội), giải Nhì Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam 2020 với tranh sơn dầu “Ông hút thuốc, bà ăn trầu” chia sẻ, tác phẩm ghi lại vẻ đẹp nông thôn Bắc Bộ này đã được ấp ủ và hoàn thiện trong 8 năm. Cũng giống như họa sĩ này, nhiều nghệ sĩ tạo hình khác đã nâng tầm những câu chuyện vùng miền qua sáng tác, như Lê Minh Đức (tỉnh Quảng Ninh) với tranh sơn dầu “Góc nhỏ của ông”, Nguyễn Văn Chung (tỉnh Gia Lai) với tác phẩm tổng hợp “Phòng dịch vùng cao”…, góp phần tăng giá trị và dấu ấn của mỹ thuật trong đời sống.

Cuối tháng 12-2020, Bảo tàng Mỹ thuật đương đại Flamingo (FCAM) nằm trong không gian Flamingo Đại Lải Resort (tỉnh Vĩnh Phúc) ra mắt công chúng. Với hai khu trưng bày, ngoài trời dành cho tác phẩm kích thước lớn và trong nhà dành cho sáng tác nhỏ, FCAM vừa trở thành không gian nghệ thuật đặc sắc cho người yêu nghệ thuật cả nước, vừa cổ vũ những ý tưởng sáng tạo của nghệ sĩ Việt Nam. Bên cạnh đó, liên tục các triển lãm của cá nhân, nhóm hoạt động thực hành nghệ thuật diễn ra tại nhiều thành phố đã cho thấy không khí sáng tác sôi động của nghệ thuật tạo hình Việt Nam.

Ở góc độ khán giả, chị Lương Thu Hòa (phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đánh giá: “Tôi cảm nhận các tác phẩm mới của nghệ sĩ Việt Nam bắt mắt, đồng đều hơn, song không nhàm chán mà gợi mở nhiều điều thú vị”.

Khách tham quan tại Bảo tàng Mỹ thuật đương đại Flamingo (tỉnh Vĩnh Phúc).

Vươn tới đỉnh cao

Theo Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn, mỹ thuật là lĩnh vực sáng tạo đặc thù, mang tính cá nhân cao, vì vậy, một năm với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 lại là khoảng lặng để nghệ sĩ tạo hình thăng hoa trong sáng tác. Họ có nhiều thời gian đưa những trải nghiệm, suy tư vào tác phẩm và chăm chút kỹ thuật. Đây chính là tiền đề để có những tác phẩm đỉnh cao. Trong năm mới, Hội Mỹ thuật Việt Nam sẽ mời các nghệ sĩ uy tín đến từng địa phương để hướng dẫn, hỗ trợ nghệ sĩ nâng cao sáng tác, giúp họ trưởng thành tại chỗ.

Họa sĩ Kù Kao Khải, người tham gia tích cực nhiều sân chơi mỹ thuật trong năm qua cho rằng, nghệ sĩ hoạt động trong môi trường có mặt bằng chung càng cao sẽ có nhiều cơ hội giao lưu, học hỏi, nâng trình độ và chất lượng sáng tác.

Tuy nhiên, từ một mặt bằng mỹ thuật đồng đều đến việc có được những tác phẩm đỉnh cao là một chặng đường dài. Triển lãm mỹ thuật toàn quốc 2020 và Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam 2020 đều không chọn được tác phẩm để trao giải Nhất. Theo họa sĩ Lê Anh Vân, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Triển lãm mỹ thuật toàn quốc 2020, một phần do chưa thu hút được đầy đủ gương mặt tiêu biểu tham gia, một phần là hoạt động mỹ thuật ở Việt Nam chưa được đầu tư xứng đáng. Cũng theo họa sĩ Lê Anh Vân, muốn nền mỹ thuật phát triển bền vững, có tác phẩm đỉnh cao, phải tổ chức các hoạt động mỹ thuật tầm cỡ quốc gia chuyên nghiệp, mời các nghệ sĩ tên tuổi tham gia, đầu tư cho các sáng tác của họ...

Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Mã Thế Anh cho biết, Triển lãm mỹ thuật toàn quốc sắp tới sẽ được tổ chức định kỳ 3 năm để kích thích nghệ sĩ sáng tạo liên tục hơn. Cục cũng sẽ tạo nhiều không gian sáng tạo cho nghệ sĩ ở các địa phương, khuyến khích xã hội hóa hoạt động mỹ thuật, mở rộng giao lưu trong và ngoài nước..., nhằm đưa nền mỹ thuật Việt Nam vươn tới những đỉnh cao mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mỹ thuật Việt Nam: Bước tiến đồng đều, chuyên nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.