Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mỹ: Thanh lọc hệ thống bảo hiểm y tế

Kim Phượng| 11/05/2012 06:37

(HNM) - Trong một chiến dịch truy quét mới đây, Bộ Y tế Mỹ đã khởi tố 107 bác sĩ, y tá và nhân viên y tế về tội lừa đảo với tổng số tiền lên tới 452 triệu USD.

Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ Kathleen Sebelius nhận định, đây là số tiền lớn nhất được phát hiện trong một chiến dịch truy quét nạn lừa đảo thuộc chương trình bảo hiểm y tế Medicare trong lịch sử nước Mỹ. Chiến dịch được thực hiện ở 7 thành phố, do lực lượng chống lừa đảo Medicare thực hiện.

Medicare là chương trình chăm sóc y tế của Chính phủ Mỹ dành cho người già (trên 65 tuổi), người tàn tật và số người được hưởng chương trình này lên tới 45 triệu người. Vấn đề là chương trình này đã bị một số cá nhân lợi dụng để moi tiền nhà nước. Theo bản cáo trạng, các bị cáo - trong đó ít nhất 91 người ở Miami, Houston, Baton Rouge, Louisiana và bốn thành phố khác - bị khép vào một loạt tội danh, từ lập hóa đơn khống cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà, chăm sóc sức khỏe tâm thần... cho đến rửa tiền và nhận tiền hoa hồng... Thủ đoạn chung của các đối tượng gian lận là tìm cách tiếp cận và lấy cắp dữ liệu cá nhân của hàng nghìn bác sĩ và bệnh nhân của các bệnh viện thật tại các bang. Những dữ liệu này sau đó được sử dụng để mở tới 108 "bệnh viện ảo" chuyên chữa trị cho các "bệnh nhân ảo". Hồ sơ cho những dịch vụ y tế trên sau đó được gửi tới quỹ bảo hiểm y tế liên bang để được thanh toán. Vụ gian lận chưa từng thấy được phát hiện khi giới chức liên bang trong quá trình kiểm tra đã phát hiện những hồ sơ hết sức đáng ngờ, như bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng lại khám bệnh phụ khoa hay 10 hóa đơn chi phí cắt trĩ cùng mang tên một bệnh nhân... Ông Lanny Breuer, một quan chức thuộc Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ cho biết: "Hành vi gian lận, lừa đảo được thực hiện bởi rất nhiều người nắm giữ các vị trí khác nhau trong ngành bảo hiểm y tế của Mỹ, từ các bác sĩ, y tá, các nhân viên điều trị xã hội có chứng chỉ đàng hoàng, cho tới các nhà quản lý". Ông cũng khẳng định, đây là vụ lừa đảo lớn nhất liên quan đến Medicare bị lực lượng điều tra đặc biệt của Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra ánh sáng trong những năm gần đây. Theo Medicare, các bệnh nhân thuộc diện được bảo hiểm chỉ phải trả dưới 1% tổng giá trị dịch vụ y tế, toàn bộ chi phí còn lại sẽ do chương trình này chi trả. Thông thường, những hồ sơ được trình lên trong khuôn khổ chương trình này được chi trả một cách tự động, các thủ tục phúc tra rất hiếm hoi. Đây chính là kẽ hở để những bác sĩ, y tá và nhân viên y tế câu kết với nhau gian lận, lừa đảo. Những hành vi gian lận trong chương trình Medicare khiến người đóng thuế Mỹ bị "đánh cắp" từ 70 tỷ đến 234 tỷ USD/năm.

Thực tế, những vụ gian lận bảo hiểm liên tiếp bị phát hiện tại Mỹ gần đây không phải là "chuyện hiếm" trong quá khứ. Các chiến dịch đặc biệt điều tra gian lận y tế bắt đầu được tiến hành dưới thời chính quyền Bush vào năm 2007 và mở rộng dưới thời Tổng thống Barack Obama. 5 năm qua, các nhà điều tra liên bang Mỹ đã điều tra hơn 2.600 trường hợp tình nghi gian lận, lừa đảo bảo hiểm y tế, trong đó đã phát hiện hơn 1.300 trường hợp gian lận với tổng số tiền chiếm đoạt lên tới hơn 4 tỷ USD. Nhà chức trách Mỹ khẳng định, ngăn chặn những tội phạm bòn rút tiền từ chương trình trợ cấp y tế đầy kỳ vọng của Mỹ là ưu tiên hàng đầu của chính quyền nhằm thanh lọc hệ thống chăm sóc sức khỏe của nước này. Điều đó không chỉ bảo đảm sự công bằng, khôi phục niềm tin của người dân với bảo hiểm y tế, mà còn là nền tảng quan trọng cho sự ổn định xã hội tại Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mỹ: Thanh lọc hệ thống bảo hiểm y tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.