Mỹ và Nga ngày 13/4 đã ký kết một nghị định thư mới, cam kết mỗi bên sẽ hoàn thành việc loại bỏ 34 tấn chất plutoni ở cấp độ sản xuất vũ khí hạt nhân.
(Ảnh: Reuters)
Giới chức hai nước ước tính số lượng chất plutoni được loại bỏ lần này đủ để sản xuất khoảng 17.000 vũ khí nguyên tử.
Nghị định thư được Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và người đồng cấp Nga Sergei Lavrop ký bên lề Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân được tổ chức ở thủ đô Washington, Mỹ trong hai ngày 12-13/4.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định Nghị định thư loại bỏ plutoni là một bước đi cần thiết trong tiến trình giải giáp vũ khí hạt nhân.
Mỗi bên sẽ tiếp tục xúc tiến việc hoàn thành và vận hành các cơ sở nhằm loại bỏ ít nhất 34 tấn chất plutoni bằng việc sử dụng chúng như một loại nhiên liệu trong các lò phản ứng năng lượng hạt nhân dân sự để sản xuất điện.
Thỏa thuận này sẽ làm cho quá trình cắt giảm vũ khí hạt nhân không thể bị đảo ngược với việc đảm bảo Mỹ và Nga sẽ loại bỏ một cách minh bạch chất plutoni ở cấp độ sản xuất vũ khí từ các chương trình quân sự của mỗi nước, từ đó, ngăn chặn việc tái sử dụng plutoni để sản xuất vũ khí hoặc phục vụ bất kỳ mục đích quân sự nào.
Phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Nga Lavrop cho biết Mátxcơva đang có kế hoạch chi khoảng 2,5 tỷ USD để loại bỏ số lượng chất plutoni nói trên.
Ông cũng nói Washington dự định đóng góp 400 triệu USD cho chương trình này của Nga.
Ngay sau khi Nga và Mỹ ký nghị định thư loại bỏ plutoni nói trên, một quan chức giấu tên tại Điện Kremli cho biết Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã công bố kế hoạch đóng cửa lò phản ứng plutoni cấp độ để sản xuất vũ khí hạt nhân cuối cùng của nước này tại Siberia.
Tuy nhiên, quan chức này không đưa ra thông tin chi tiết về kế hoạch trên.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hoan nghênh kế hoạch trên của Nga và coi đây là "bước đi quan trọng" trong việc tăng cường an ninh hạt nhân./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.