(HNM) - Chuyến công du Châu Á - Thái Bình Dương kéo dài 10 ngày tới 6 quốc gia của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton (từ ngày 31-8) nhằm thiết lập mối quan hệ đồng minh mới, đồng thời tạo điều kiện tăng cường sự hiện diện của xứ Cờ hoa tại Châu Á.
Với các điểm dừng chân khá mới mẻ như: Quần đảo Cook, Đông Timor… chuyến công du lần này của Ngoại trưởng H.Clinton được các nhà quan sát đánh giá là "bước đi đột phá" nhằm kiềm chế ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc với các quốc gia có biển trong khu vực. Đặc biệt, đây là chuyến công du Châu Á thứ ba của Ngoại trưởng Mỹ kể từ tháng 5 vừa qua cho thấy rõ vị trí của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong chiến lược ngoại giao hướng Đông của Washington.
Mở đầu cho chặng dừng chân, Ngoại trưởng H.Clinton đã đến đảo Cook ở phía Nam Thái Bình Dương để tham dự Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương (PIF) lần thứ 43 với sự tham dự của đại diện đến từ 16 nước trong khu vực. Với sự kiện này, bà Clinton đã trở thành Ngoại trưởng Mỹ đầu tiên tham dự Hội nghị thượng đỉnh PIF. Theo các nhà phân tích, do không có trọng lượng chiến lược, các đảo quốc nhỏ Nam Thái Bình Dương đã không được ngành ngoại giao Mỹ chiếu cố nhiều trong thời gian qua. Vì vậy, chuyến công du của bà H.Clinton đến quần đảo Cook - một nước 11.000 dân với diện tích gộp lại của 15 hòn đảo không bằng diện tích của thành phố Washington - đã thu hút sự chú ý. Bởi lẽ quần đảo Cook có vị thế khá quan trọng về giao thương, buôn bán ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Nhưng quan trọng hơn cả, việc bà H.Clinton tham dự hội nghị PIF ở quần đảo Cook chỉ là sự kiện thứ yếu trong chiến lược chung của Mỹ, mà mục đích chính như ngầm khẳng định rằng, kể cả tại những nơi hẻo lánh nhất của vùng Thái Bình Dương, Mỹ vẫn có mặt. Cho nên sự hiện diện của Ngoại trưởng Mỹ tại quốc đảo này rõ ràng là những bước đi đầu tiên để Washington dần củng cố mối quan hệ ngoại giao và đồng minh của mình với các quốc gia khác trong khu vực. Phát biểu trước các nhà lãnh đạo khu vực tham dự diễn đàn PIF diễn ra ở quần đảo này ngày 1-9, bà H.Clinton nhấn mạnh tất cả các nước đều có lợi ích trong việc duy trì hòa bình và an ninh ở Thái Bình Dương. Dễ dàng nhận thấy, trong thời gian qua, chính quyền Tổng thống Barack Obama đã đẩy mạnh nỗ lực can dự vào Châu Á - Thái Bình Dương, khu vực được xem là động lực chính cho sự phát triển kinh tế và chính trị của thế giới trong thế kỷ XXI. Điều này cũng đã được bà H.Clinton nhấn mạnh trong bài phát biểu của mình khi nói rằng Mỹ đang tìm cách đẩy mạnh thực hiện chương trình phát triển kinh tế sâu rộng ở Thái Bình Dương, thông qua việc thúc đẩy thương mại tự do, tăng cường đầu tư về năng lượng và hỗ trợ ngăn chặn các hoạt động tội phạm bằng đường biển, trong đó có nạn buôn bán người. Nhân chuyến thăm, bà H.Clinton công bố các dự án viện trợ mới với tổng trị giá khoảng 32 triệu USD cho các quốc đảo Thái Bình Dương như một phần của sáng kiến can dự chiến lược vào khu vực này mà bà công bố hồi tháng 7 vừa qua.
Theo kế hoạch, sau khi dự diễn đàn PIF ở đảo Cook, Ngoại trưởng Mỹ sẽ tới Indonesia, Trung Quốc, Timor Leste, Bruney. Chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến công du lần này của bà là Vladivostok, Nga và dự Diễn đàn Hợp tác kinh tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Trong đó cuộc viếng thăm Trung Quốc cũng là điểm nhấn trong chuyến công du lần này. Ngoài việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này, chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ H.Clinton còn nhằm mục đích xoa dịu mối lo ngại của Bắc Kinh về sự cạnh tranh ảnh hưởng ở Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc cũng đã đẩy mạnh quan hệ hợp tác từ năm 2005 với cam kết dành hơn 600 triệu USD cho các khoản vay không có điều kiện với lãi suất thấp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.