(HNM) - Sau một loạt biện pháp trừng phạt, bao gồm phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh đối với nhiều quan chức cấp cao của Nga, Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) vừa tiếp tục đưa ra quyết định loại Mátxcơva khỏi Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G8).
Lãnh đạo các nền kinh tế hàng đầu thế giới quyết định chấm dứt vai trò của Nga tại G8. |
Khởi đầu từ nhóm G7, gồm Mỹ, Đức, Pháp, Italia, Anh, Canada, Nhật Bản tập trung tìm hướng giải quyết cuộc khủng hoảng dầu hỏa 1973 và suy thoái toàn cầu, đến năm 2002 cơ chế này có thêm một thành viên mới là Nga. Trong suốt 5 năm sau đó, G8 đã chứng tỏ tính hiệu quả trong việc điều chỉnh mối quan hệ giữa các nền công nghiệp hàng đầu thế giới cũng như sự thích ứng qua việc mở rộng đối thoại sang các lĩnh vực chính trị, an ninh và văn hóa xã hội. Tuy nhiên, có một thực tế là mâu thuẫn giữa các thành viên luôn song hành trong suốt chiều dài tồn tại của G8, đặc biệt trong những năm gần đây. Dấu hiệu khác biệt ngày càng lộ diện trong các đối thoại và phối hợp hành động vì sự đụng chạm tới lợi ích riêng của từng quốc gia. Một thực tế nữa là càng ngày G8 càng bị các cơ chế đa phương khác cạnh tranh dữ dội như Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20), Nhóm nền kinh tế mới nổi (BRICS)... Chỉ riêng việc tất cả thành viên G8 cùng một lúc phải tham gia nhiều cơ chế đa phương cũng phần nào làm giảm đi quyết tâm cũng như sự đầu tư thỏa đáng cho việc tìm kiếm giải pháp ngay tại hội nghị G8. Bên cạnh đó, trong một thế giới có nhiều biến động như thời gian qua, giờ đây G8 không thể tự quyết được những vấn đề có tính toàn cầu mà cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 là một ví dụ cụ thể. Đã có nhiều ý kiến cho rằng, cơ chế này đã đến lúc phải thay đổi.
Vì vậy, việc loại Nga ra khỏi G8 có thể là đón giáng vào uy tín của Mátxcơva, song lại được xem là khó có thể gây thiệt hại gì nhiều cho quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới này. Đơn giản vì không có G8, Nga vẫn có thể tham gia G20, BRICS và nhiều diễn đàn khác. Thế nhưng, việc loại trừ Nga được xem là cũng sẽ gây ra những khó khăn nhất định cho G7 do các thành viên trong cơ chế này đang hợp tác tích cực ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Sở hữu một ghế thành viên Thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, những năm gần đây, Mátxcơva được nhìn nhận như một nhân tố không thể thiếu trong quá trình giải quyết một số điểm nóng của thế giới như chương trình hạt nhân Iran, cuộc khủng hoảng Syria. Thiếu Nga, vai trò của G7 bị quan ngại sẽ mất đi sức mạnh đối với nhiều vấn đề phức tạp trên toàn cầu.
Nhiều nhà phân tích đã nhận định rằng: "Trừng phạt Nga là con dao hai lưỡi". Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa Mỹ, đặc biệt là EU với Nga khiến bất kỳ một sự cứng rắn nào cũng sẽ dễ gây tổn hại cho cả hai phía. Trên thực tế, quan hệ hợp tác kinh tế giữa Nga và Mỹ còn tương đối hạn chế, nhưng đối với EU, con số này không nhỏ. Châu Âu hiện có mối giao thương hằng năm với Nga trị giá 460 tỷ USD, phần của Mỹ là 40 tỷ USD. Chưa kể, nhiều tập đoàn của Mỹ và các nước Châu Âu cũng có thể sẽ bị ảnh hưởng nếu Nga trả đũa. PepsiCo, Coca-Cola, General Motors, Ford, Caterpillar, IBM, Microsoft, Procter & Gamble, ExxonMobil, Chevorn, Boeing, ConocoPhillips... đều đang làm ăn tại Nga và chắc chắn, các công ty này bị tổn thất nếu phía Nga thực hiện lời đe dọa đáp trả các biện pháp cấm vận của phương Tây. Năng lượng là vấn đề gây đau đầu nhiều nhất cho EU. Liên minh này đã dự tính sẽ đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng để bớt phụ thuộc vào Nga, nhưng đó chỉ mới là mục tiêu dài hạn. Hiện Nga là nguồn cung đáp ứng 32% nhu cầu khí đốt và 35% nhu cầu dầu lửa của EU.
Vì vậy, việc loại Nga khỏi sân chơi G8 là hành động mang tính biểu tượng nhiều hơn và những biện pháp trừng phạt kinh tế của cả hai bên nhằm vào nhau sẽ dẫn tới những thiệt hại thực tế. Song dù thế nào thì cũng khó có thể nói rằng Mátxcơva sẽ cảm thấy bình an khi mối quan hệ với những đối tác thương mại quan trọng bậc nhất trở nên lạnh nhạt. Do đó, các bên liên quan sẽ cân nhắc cẩn trọng trước khi có những động thái tiếp theo trong tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.