(HNMO) - Nguy cơ xảy ra cuộc chiến thương mại liên quan đến việc Mỹ áp đặt lại mức thuế quan 10% đánh vào nhôm thô của Canada đã được giải tỏa khi Washington thông báo dỡ bỏ loại thuế này. Động thái trên được đánh giá là bước đi tích cực ngay trước thời điểm Canada dự kiến công bố các biện pháp trả đũa nhằm vào hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trị giá khoảng 2,7 tỷ USD.
Trong 2 năm qua, câu chuyện thuế nhôm giữa Mỹ và Canada đã tốn nhiều “giấy mực” của giới báo chí. Năm 2018, viện dẫn lý do an ninh quốc gia, Mỹ áp thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu. Chính sách này đã gây nhiều khó khăn cho Mỹ, Mexico và Canada trong tiến trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ phiên bản mới (NAFTA 2.0). Quyết định của Mỹ dẫn tới hành động trả đũa của Canada với việc áp thuế một loạt hàng hóa Mỹ, từ rượu whisky tới nước sốt cà chua.
Trước sự phản đối của các doanh nghiệp Mỹ, năm 2019, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã dành cho Canada cơ chế được miễn trừ thuế nhôm và hai nước nhất trí dỡ bỏ các loại thuế quan này. Tuy nhiên, năm 2020, những động thái của hai công ty nhôm của Mỹ là Century Aluminum Co và Magnitude 7 Metals đã buộc Tổng thống D.Trump áp đặt lại mức thuế trên với lý do nhôm nhập khẩu từ Canada tăng nhiều kể từ khi thuế quan được dỡ bỏ.
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã đề nghị Canada chấp nhận phương án bị áp hạn ngạch xuất khẩu nhôm để tránh việc bị tái áp đặt thuế quan nhưng Canada từ chối đề xuất này. Kết quả là Mỹ đã quyết định áp mức thuế 10% đối với nhôm thô của Canada từ ngày 16-8 vừa qua. Lý giải cho bước đi đó, ông chủ Nhà Trắng Donald Trump cho rằng nhôm từ Canada đã khiến ngành sản xuất nhôm của Mỹ bị phá hủy, gây bất công cho những công nhân làm việc trong lĩnh vực này và với thị trường việc làm Mỹ nói chung.
Trong khi đó, các nhà sản xuất nhôm Canada cho rằng, hoạt động xuất khẩu mặt hàng này sang Mỹ không tăng. Để đáp trả, Canada đã lên kế hoạch đánh thuế vào nhiều loại mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ trị giá khoảng 2,7 tỷ USD. Danh mục hàng hóa được chọn với mục đích gây ảnh hưởng nặng nề nhất đối với Mỹ nhưng chỉ tạo tổn thất tối thiểu đối với Canada. Theo Phó thủ tướng Canada Chrystia Freeland, trong nhiều thập kỷ qua, nhôm của Canada không làm suy yếu mà ngược lại đã giúp củng cố an ninh quốc gia của Mỹ thông qua quá trình hợp tác giữa hai nước.
Hiện tại, Canada đóng vai trò thiết yếu trong quy trình sản xuất ở nhiều nhà máy của xứ Cờ hoa. Mỹ nhập nhôm của Canada nhiều hơn của bất kỳ nước nào để đáp ứng nhu cầu trong khu vực chế tạo. Do đó, quyết định của Tổng thống D.Trump nếu không được dỡ bỏ sẽ làm tăng chi phí đầu vào của các cơ sở sản xuất tại Mỹ trong nhiều lĩnh vực như ô tô, xây dựng và đương nhiên, ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Động thái áp thuế lên nhôm nhập khẩu từ Canada cũng sẽ làm giảm uy tín của Mỹ với tư cách là một đối tác thương mại đáng tin cậy. Hơn nữa, theo một số chuyên gia phân tích, Mỹ không muốn căng thẳng thương mại với Canada leo thang ở thời điểm nước này sắp bước vào cuộc bầu cử tổng thống. Còn với Canada, khi nhôm xuất khẩu bị áp thuế 10%, nước này sẽ gặp khó khăn hơn trên thị trường Mỹ do phải cạnh tranh với nhiều đối thủ từ Nga và Trung Quốc.
Trong bối cảnh đó, bước “xuống thang” của Mỹ được nhận định là động thái cần thiết nhằm tránh cho hai đồng minh thân cận đứng trước nguy cơ một cuộc đối đầu thương mại, gây tác động tiêu cực tới cả hai nền kinh tế vốn có sự liên kết chặt chẽ. Ngoài ra, nếu tranh chấp thương mại Mỹ - Canada leo thang sẽ ảnh hưởng nặng nề đến người lao động và doanh nghiệp hai nước trong bối cảnh đang phải nỗ lực ứng phó với đại dịch Covid-19.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.