(HNM) - Với 65 phiếu thuận và 33 phiếu chống, ngày 19-12, Quốc hội Mỹ đã thông qua nghị quyết về việc dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ, vốn tồn tại suốt 40 năm qua. Quyết định này được nhìn nhận là thay đổi lịch sử về chính sách năng lượng của Mỹ và có thể khiến giá dầu thế giới tiếp tục
Giá dầu được dự đoán sẽ hạ xuống mức 20 USD/thùng. |
Động thái khá bất ngờ nói trên của Quốc hội Mỹ được đưa ra trong bối cảnh giá dầu thế giới giảm sâu, xuống mức 35 USD/thùng, mức thấp nhất trong 7 năm qua. Theo các doanh nghiệp xuất khẩu dầu mỏ của Mỹ, việc dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu thô sẽ giúp Mỹ bảo đảm an ninh dầu mỏ, tạo nguồn cung mới cho các đối tác và đồng minh của quốc gia này tại Châu Âu và Châu Á, giảm phụ thuộc vào nguồn cung của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga. Nhiều công ty Mỹ cũng được hưởng lợi từ chính sách nới lỏng này, trong đó phải kể đến những "đại gia" như: Exxon Mobil Corp, ConocoPhillips và Chevron.
Còn theo giới chuyên gia kinh tế, quyết định trên sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn. Các chuyên gia kinh tế lý giải, xuất khẩu dầu mỏ khởi sắc sẽ giúp thu hút đầu tư vào hoạt động sản xuất và vận chuyển mặt hàng này, tạo thêm việc làm, giúp nguồn cung dầu khí ổn định hơn, góp phần cải thiện tình trạng thâm hụt thương mại của Mỹ. Bên cạnh đó, việc Chính phủ Mỹ "bật đèn xanh" đối với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ cũng sẽ giúp các đồng minh Châu Âu của nước này, vốn đang phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga, có thêm lựa chọn.
Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng, việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ, chỉ có những tác động về mặt tâm lý hơn là thực sự làm thay đổi tương quan trên thị trường "vàng đen" quốc tế. Nói cách khác, mục đích chính của quyết định này nhằm phục vụ cho các ý đồ chính trị để làm giảm giá dầu trên thị trường quốc tế, qua đó gây áp lực lên nền kinh tế Nga. Trên thực tế, việc hủy bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ sẽ khó có thể nhanh chóng được thực hiện khi Mỹ hiện không có tiềm năng xuất khẩu lớn. Mặc dù hiện sản lượng khai thác khoảng 9 triệu thùng/ngày đêm nhưng mức độ tiêu thụ nội địa của Mỹ cũng khá lớn. Ngoài ra, giá cả hiện tại cũng không thuận lợi cho việc xuất khẩu.
Trong tương lai gần, nguồn cung dầu từ OPEC sẽ tiếp tục dư thừa khi có kế hoạch sản xuất tiến tới con số 32 triệu thùng/ngày. Thế nên, kể cả Quốc hội Mỹ không bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu thì giá "vàng đen" vẫn có thể xuống thấp kỷ lục, ở mức 20 USD/thùng. Nhận định này càng có cơ sở trong lúc thị trường chuẩn bị tiếp nhận thêm cả nguồn cung dầu mới từ Iran, sau khi Liên hợp quốc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt trong vài tháng tới. Hệ quả là kho dầu toàn cầu sẽ "tràn trề" vào mùa xuân tới.
Sau khi cuộc khủng hoảng tại Ukraine bùng phát từ cuối năm 2013, bên cạnh các lệnh trừng phạt, Mỹ và các nước Châu Âu, được cho là đã có những thỏa ước bí mật với các đồng minh trong OPEC nhằm hạ giá dầu, một đòn đánh khá mạnh vào nền kinh tế Nga, vốn phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu dầu mỏ. Có thể nói, "mũi tên" do Mỹ và đồng minh bắn đi không chỉ nhằm làm suy yếu đối thủ từ thời kỳ Chiến tranh lạnh mà còn mang lại lợi ích không nhỏ cho Washington và nhiều thành viên trong Liên minh Châu Âu (EU) - những quốc gia vốn phải nhập khẩu dầu mỏ.
Trong cuộc họp báo cách đây ít ngày, Tổng thống Nga V.Putin khẳng định, nền kinh tế Nga đã vượt qua giai đoạn đỉnh điểm của khủng hoảng và đang có dấu hiệu ổn định. Tuy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga trong năm 2015 đã giảm 3,5%, thu nhập thực tế của người dân Nga giảm hơn 5%, nhưng trong năm 2016, tình hình kinh tế Nga sẽ có những bước tiến lạc quan hơn.
Tuy nhiên, nhận định này được đưa ra dựa theo mức giá dầu được tính là 50 USD/thùng. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu giá dầu giảm về mức 30 USD/thùng, nền kinh tế Nga sẽ phải hứng thêm một cú sốc mới. Còn mức giá 20 USD/thùng sẽ là cả một "thảm họa" cho xứ sở Bạch dương. Do vậy, có lẽ dư luận đã tìm được một phần câu trả lời cho quyết định dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ mà cường quốc số 1 thế giới đã áp dụng từ năm 1975 tới nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.