Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mỹ đề nghị Iran đàm phán về JCPOA: Cơ hội ''hồi sinh'' thỏa thuận hạt nhân

Quỳnh Dương| 21/02/2021 07:02

(HNM) - Căng thẳng kéo dài 3 năm qua về vấn đề hạt nhân giữa Mỹ và Iran đang có tín hiệu “giảm nhiệt” khi ông chủ Nhà Trắng Joe Biden đưa ra đề nghị Tehran cùng ngồi vào bàn đàm phán. Tuy còn nhiều khó khăn ở phía trước, song đây vẫn được cho là cơ hội để “hồi sinh” Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) mà Iran ký kết với các cường quốc thế giới (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc) năm 2015.

Sức nóng quanh vấn đề hạt nhân Iran đang đứng trước cơ hội giảm nhiệt.

Trong một tuyên bố ngày 19-2, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định, Washington sẵn sàng cứu vãn thỏa thuận mà chính quyền tiền nhiệm Donald Trump đã từ bỏ gần 3 năm trước. Động thái này phản ánh sự thay đổi trong cách tiếp cận của chính quyền Mỹ với vấn đề hạt nhân Iran dưới thời Tổng thống J.Biden đúng như những gì dư luận dự đoán và kỳ vọng trước đó. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống vừa qua, ông J.Biden cam kết sẽ đưa Mỹ quay trở lại JCPOA và sẵn sàng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đang áp đặt lên Iran.

Hơn một năm qua, quan hệ Mỹ - Iran luôn “căng như dây đàn”, nhất là sau khi chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, Thiếu tướng Qasem Soleimani và nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran Mohsen Fakhrizadeh bị sát hại. Tướng Q.Soleimani vốn được coi là nhân vật quyền lực thứ hai ở Iran chỉ sau nhà lãnh đạo tối cao - Đại giáo chủ Ali Khamenei, là người có ảnh hưởng lớn trong việc định hình chính sách đối ngoại của Tehran. Trong khi đó, nhà khoa học M.Fakhrizadeh được coi là “cha đẻ” của chương trình hạt nhân của quốc gia này. Năm 2015, tờ The New York Times từng so sánh ông với nhà vật lý học Robert Oppenheimer - công trình sư của “Dự án Manhattan” về vũ khí nguyên tử trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Bởi vậy, việc hai nhân vật trọng yếu của Iran bị sát hại đã đẩy cuộc đối đầu giữa Mỹ và Iran vào tình thế căng thẳng. Thậm chí, giới phân tích còn cho rằng bất kỳ bước đi vượt "giới hạn đỏ cuối cùng" của bên nào cũng dẫn tới nhiều hệ lụy khó lường.

Bên cạnh đó, trong 4 năm cầm quyền, cựu Tổng thống Mỹ D.Trump đã đạt kỷ lục về tần suất áp đặt các lệnh trừng phạt vào Iran. Tính đến nay, Washington đã trừng phạt 1.500 cá nhân và tổ chức của Iran trong 77 đợt khác nhau, chủ yếu nhắm vào lĩnh vực ngân hàng cũng như ngành Dầu khí của nước này. Những biện pháp cô lập khắc nghiệt của Mỹ khiến nền kinh tế Iran điêu đứng, khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 5,4% trong năm 2018, 6,5% vào năm 2019 và khoảng 6% năm 2020. Giá trị đồng nội tệ rial tụt mạnh, tỷ lệ lạm phát hằng năm khoảng 30%. Mặc dù chính quyền Iran đã tìm mọi cách xoay xở để hạn chế các biện pháp trừng phạt nhưng người dân vẫn phải hứng chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề.

Mặc dù tân Tổng thống Mỹ J.Biden có quan điểm cởi mở hơn đối với vấn đề hạt nhân Iran, song cái khó hiện nay là không bên nào cho thấy sẽ “xuống thang” trước. Tehran thể hiện quan điểm rằng, Washington phải quay trở lại với các cam kết quốc tế của mình trước khi tiến hành các cuộc thảo luận tiếp theo.

Ngày 19-2, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nêu rõ, nước này sẽ "ngay lập tức đảo ngược" các biện pháp trả đũa liên quan đến cam kết hạt nhân nếu Mỹ dỡ bỏ "một cách vô điều kiện và có hiệu quả tất cả các biện pháp trừng phạt mà cựu Tổng thống D.Trump đã áp đặt, tái áp đặt hoặc một lần nữa gán cho Iran". Về phía Mỹ, Tổng thống J.Biden tuyên bố, nếu Iran tuân thủ nghiêm các cam kết trong JCPOA, Mỹ cũng sẽ làm điều tương tự.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích quốc tế hy vọng, với những tín hiệu tích cực, thiện chí phát đi từ cả hai phía cùng nỗ lực trung gian của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là những quốc gia ký kết JCPOA, những bế tắc trong “hồ sơ” hạt nhân Iran sẽ sớm được tháo gỡ, giúp giải quyết một trong những vấn đề nổi cộm nhất của an ninh thế giới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mỹ đề nghị Iran đàm phán về JCPOA: Cơ hội ''hồi sinh'' thỏa thuận hạt nhân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.